Văn hóa

Vui Trung thu cùng trẻ em nơi bìa rừng

Năm nay, trẻ em ở 3 xã vùng rừng - hồ của huyện Vĩnh Cửu là Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý đón Tết Trung thu thật vui tươi, rộn ràng. đã lâu lắm rồi các em mới được tham gia vào hoạt động đón mừng trăng rằm với quy mô lớn, sôi động đến vậy.

Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn trao quà Trung thu cho trẻ em tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) trong chương trình Đêm hội trăng rằm và Ánh trăng cổ tích tại Trường tiểu học - THCS Mã Đà
Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn trao quà Trung thu cho trẻ em tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) trong chương trình Đêm hội trăng rằm và Ánh trăng cổ tích tại Trường tiểu học - THCS Mã Đà. Ảnh: V.Tuyên

Niềm vui các em cũng như phụ huynh có được là nhờ chương trình Đêm hội trăng rằm Ánh trăng cổ tích, do Tỉnh đoàn phối hợp cùng UBND huyện Vĩnh Cửu, các đơn vị Đoàn trường học và nhiều nhà tài trợ tổ chức tại Trường tiểu học - THCS Mã Đà đã làm rộn ràng không gian vốn yên ắng ở vùng quê giáp ranh với rừng già, lòng hồ thủy điện Trị An.

* Mùa Trung thu đáng nhớ

Em Nguyễn Thị Vân (học sinh lớp 8 Trường tiểu học - THCS Mã Đà) chia sẻ, đây là lần đầu tiên em được tham dự một Đêm hội trăng rằm Ánh trăng cổ tích với nhiều hoạt động đến vậy. Mọi năm, vào dịp Trung thu, Vân và các bạn khác ở xóm nào tự tổ chức chơi theo xóm đó. Hay có năm ở ấp cũng tổ chức cho thiếu nhi vui Trung thu nhưng chỉ tặng quà, hát vài bài rồi thôi. Trung thu năm nay có đến 30 trò chơi được tổ chức để phục vụ những em nhỏ tuổi, trò chơi nào cũng có quà thưởng cho người chơi. “Kẹo, bánh em thắng được từ trò chơi phải tìm một bịch ny-lông to mới chứa hết” - em Nguyễn Thị Vân vui vẻ khoe.

Theo ông Phạm Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, trong dịp Tết Trung thu năm 2019, huyện Vĩnh Cửu đã tổ chức nhiều hoạt động thăm, trao tặng quà cho thiếu nhi trong huyện. Trong đó, các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội luôn dành sự ưu tiên cho các em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em thiếu nhi ở các xã Phú Lý, Hiếu Liêm, Mã Đà, nơi mà điều kiện vui chơi giải trí còn nhiều thiếu thốn, lại nằm ở những vị trí biệt lập so với những khu vực dân cư khác.

Không chỉ được tham gia vào các trò chơi dân gian với những phần thưởng hấp dẫn, gần 2 ngàn trẻ em ở 3 xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý có mặt trong chương trình Đêm hội trăng rằm Ánh trăng cổ tích còn được “chăm sóc sắc đẹp” với đội ngũ cắt tóc tình nguyện miễn phí hơn 20 người. Em Nguyễn Thị Thanh (14 tuổi, nhà gần hồ Trị An, ngụ ấp 2, xã Mã Đà) cho hay: “Vừa được chơi, vừa được các cô chú tạo kiểu tóc mới đẹp lắm, ai cũng khen”.

Em Nguyễn Văn Hùng (học sinh lớp 7 Trường THCS Hiếu Liêm, xã Hiếu Liêm) cho hay: “Khi nghe tin có chương trình Đêm hội trăng rằm em vui lắm nên dù từ nhà đến nơi tổ chức rất xa nhưng em cũng xin cha mẹ chở đến chơi với các bạn. Chưa năm nào em thấy có nhiều lồng đèn, nhiều bạn chơi Trung thu như năm nay”.

Không chỉ có thiếu nhi mà ngay đến phụ huynh của các em cũng được cùng vui với con em mình. Bà Nguyễn Thị Tuyết Trang (ngụ xã Mã Đà) cho biết: “Tôi dẫn con cùng 4 đứa cháu ở xã Mã Đà, Phú Lý đến chương trình Đêm hội trăng rằm Ánh trăng cổ tích được tổ chức ở Trường tiểu học - THCS Mã Đà. Nhìn con, cháu mình vui chơi thỏa thích tôi cũng vui theo, bởi không phải năm nào cũng có một chương trình Trung thu đông vui, nhộn nhịp và mở cửa tự do như năm nay”.

* Nối vòng tay lớn, đem niềm vui đến nơi xa

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn khi nói về việc kết nối nhiều cá nhân, tổ chức để cùng tổ chức một mùa Trung thu thật vui, để lại những kỷ niệm đáng nhớ cho trẻ em, phụ huynh ở 3 xã Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm trong mùa trăng rằm 2019.

Các em thiếu nhi đến từ các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý háo hức nhận những chiếc lồng đèn Trung thu từ chú hề trong chương trình Đêm hội trăng rằm và Ánh trăng cổ tích
Các em thiếu nhi đến từ các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý háo hức nhận những chiếc lồng đèn Trung thu từ chú hề trong chương trình Đêm hội trăng rằm và Ánh trăng cổ tích. Ảnh: V.Tuyên

Theo anh Nguyễn Cao Cường, để có được chương trình này, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của các tổ chức và cá nhân như: Công ty cổ phần địa ốc Kim Oanh và Quỹ từ thiện Kim Oanh, Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm ViFon, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO, Ngân hàng Quân đội chi nhánh Đồng Nai, Công ty cổ phần Bibica, Công ty cổ phần Lothamilk, Câu lạc bộ Tóc trẻ, Chi đoàn Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), Nhà hàng Hell Bull…

Ngoài ra, lần đầu tiên Ban tổ chức Đêm hội trăng rằm Ánh trăng cổ tích còn lồng ghép sinh hoạt chuyên đề về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em theo cách “vừa học vừa chơi”. Qua đó, giúp các em có những kiến thức cơ bản nhất để xử lý khi gặp tình huống xấu.

Tham gia chương trình, những áo xanh tình nguyện đến từ tổ chức Đoàn Thanh niên các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đã tích cực đóng góp bằng việc tạo ra nhiều trò chơi mới lạ, hấp dẫn cho người chơi nhỏ tuổi. Chị Mai Thị Mỹ Lệ Hằng (sinh viên năm 3, Khoa Kinh tế, Trường đại học Đồng Nai) cho biết, tham gia ngày hội, Đoàn trường đã đóng góp 2 triệu đồng mua bánh kẹo làm phần thưởng trong các trò chơi. Ngoài ra, để tạo không khí vui tươi cho thiếu nhi nơi đây, 24 đoàn viên sinh viên của khoa đã sáng tạo ra nhiều trò chơi mới vừa vui vừa dễ chiến thắng để các em nhanh có quà.

“Nhìn các em chơi, nghe các em kể nhà mình nằm lọt thỏm giữa rừng, ngay cạnh bìa lòng hồ Trị An hay sống ở nhà bè trên lòng hồ, để đến được nơi vui chơi này phải mất rất nhiều thời gian, chúng tôi càng thương các em hơn và mong muốn sẽ tiếp tục được tham gia nhiều hơn những chương trình ý nghĩa như thế này” - chị Mai Thị Mỹ Lệ Hằng bày tỏ. 

Võ Tuyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  797,728       5/1,173