Văn hóa

Sức sống dân ca từ mô hình câu lạc bộ

Mặc dù Đồng Nai không phải là nơi bắt nguồn của những làn điệu dân ca nhưng trong đời sống hiện đại, phong trào hát dân ca vẫn được duy trì sôi nổi. Nhiều câu lạc bộ đàn hát dân ca, hát chèo... đã ra đời, có sức lan tỏa rộng trong đời sống.

Một buổi luyện tập của Câu lạc bộ dân ca quê hương (xã Gia Canh, huyện Định Quán). Ảnh: L. Na
Một buổi luyện tập của Câu lạc bộ dân ca quê hương (xã Gia Canh, huyện Định Quán). Ảnh: L. Na

Những người yêu dân ca thường tập hợp thành từng nhóm có cùng sở thích, tự nguyện tham gia để vui chơi, thỏa nhu cầu ca hát cũng như gìn giữ giá trị văn hóa. Từ môi trường này đã phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng được nhiều “hạt nhân” cho phong trào nghệ thuật quần chúng ở cơ sở.

* Từ mô hình các câu lạc bộ

Hoạt động hiệu quả từ nhiều năm trước, song phải đến năm 2016, Câu lạc bộ dân ca quê hương (xã Gia Canh, huyện Định Quán) mới chính thức có quyết định thành lập. Đây là nơi gặp gỡ, giao lưu của 20 thành viên là những người có năng khiếu và tình yêu với văn nghệ, nhất là loại hình dân ca.

Cô Nguyễn Thị Thọ (xã An Viễn, huyện Trảng Bom) tham gia Câu lạc bộ những người yêu quan họ Bắc Ninh cho biết: “Cuộc sống vẫn còn nhiều bộn bề nhưng tình yêu dành cho dân ca, nhạc truyền thống đã cho tôi động lực vượt qua tất cả. Nhiều năm qua, tôi luôn giữ tâm huyết với môn nghệ thuật truyền thống này, mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ cho bất cứ ai yêu thích nó”.

Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca quê hương Trịnh Kiên Cường cho biết, những người sinh hoạt trong câu lạc bộ đủ các thành phần, từ cán bộ hưu trí đến người nông dân hay buôn bán... Tất cả đều là những người con xa quê, vì yêu thích văn nghệ nên đã tập hợp nhau lại. Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt thường xuyên (2 buổi/tuần) với nguyên tắc: tự nguyện, tự giác và tự trang trải. Người ít tuổi nhất đã ngoài 50, cao nhất đã ngoài 70. Mỗi người một thế mạnh, có thể đàn, có thể múa, hát các làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, hát ru và cả những làn điệu chèo bay bổng, mượt mà.

Vượt ra khuôn khổ của một câu lạc bộ, Hội Chèo quê (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) ra đời cách đây hơn 12 năm trở thành điểm đến cho người yêu dân ca và làn điệu chèo. Ngoài những buổi sinh hoạt thường xuyên, các thành viên của Hội còn tích cực tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng tại địa phương và của tỉnh. Từ Hội, nhiều giọng ca như ông Lương Trọng Khánh, bà Cao Thị Chắt; tay đờn, tay trống của ông Trần Văn Phả, Trần Văn Sáu... đã trở thành những “hạt nhân” nòng cốt trong hoạt động phong trào.

Theo ông Lương Trọng Khánh, thành viên Hội Chèo quê, mặc dù có tên gọi là Hội Chèo nhưng 14 thành viên của hội có thể biểu diễn nhiều thể loại, từ chèo, dân ca quan họ, nhạc cách mạng cho đến đờn ca tài tử. Những giây phút thả hồn vào âm nhạc hun đúc cho ông và các thành viên niềm tự hào dân tộc, cùng góp sức xây dựng cuộc sống ngày càng lành mạnh, văn minh hơn. 

Nếu có dịp đến với một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ những người yêu quan họ Bắc ninh (xã An Viễn, huyện Trảng Bom) chắc hẳn bạn sẽ như thấy tâm hồn mình lắng lại khi nghe những điệu hát dân ca thân thương. Giữa những lo toan của cuộc sống mưu sinh, câu lạc bộ vẫn được duy trì, phát triển và là địa chỉ tin cậy để mọi người có thể đến gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kiến thức âm nhạc truyền thống.

* Đến lan tỏa...

Trong điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí để hoạt động còn khó khăn nhưng bằng nhiều cách, hàng chục câu lạc bộ tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển, nuôi dưỡng  âm nhạc dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh việc mở rộng, lan tỏa mô hình các câu lạc bộ dân ca, không ít người cũng bày tỏ niềm trăn trở, việc duy trì và phát triển dân ca trong cộng đồng, nhất là đối với những người trẻ tuổi, đang đứng trước những thách thức. Thành viên trong các câu lạc bộ phần lớn trong độ tuổi trung niên và người già, rất ít hoặc không có người trẻ tham gia.

Giám đốc Trung tâm văn hóa - điện ảnh Đồng Nai Tôn Thị Thanh Tình cho biết, thời gian qua, hoạt động của các câu lạc bộ văn nghệ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi. Hằng năm, trung tâm đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, biểu diễn; bồi dưỡng, truyền dạy cho các câu lạc bộ nhằm tăng cường nguồn lực, duy trì và phát triển số lượng thành viên. Song, để phát huy hiệu quả, khuyến khích người dân, nhất là người trẻ tham gia, rất cần sự chung tay từ cộng đồng, từ những người tích cực và tâm huyết giữ gìn vốn văn hóa, âm nhạc dân tộc.

“Thời gian tới, trung tâm sẽ tạo điều kiện tổ chức thêm các sân chơi để những người có cùng sở thích ca hát gặp gỡ, giao lưu. Hy vọng, qua sân chơi này sẽ hội tụ được một lực lượng những người đam mê ca hát cùng chung tay, góp sức đưa văn nghệ trở thành món ăn tinh thần của tất cả mọi người. Từ đó, nâng cao ý thức, vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đẩy mạnh phong trào thi đua, thắt chặt tình đoàn kết trong cuộc sống” - bà Tôn Thị Thanh Tình nhấn mạnh.

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  797,893       5/1,169