Văn hóa

Thổn thức... tiếng đàn tranh

Bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, sau nhiều năm miệt mài học và tập luyện, Đinh Thị Thương Huyền đã sở hữu nhiều giải thưởng đàn tranh tại các liên hoan, hội diễn. Cô là một trong những nghệ sĩ đàn tranh của Đồng Nai được nhiều khán, thính giả trong nước và quốc tế biết đến với tiếng đàn da diết, sâu lắng, đi sâu vào lòng người.

Nghệ sĩ Thương Huyền (trái) biểu diễn đàn tranh tại Hội diễn văn nghệ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2019 ở Hà Tĩnh. Ảnh: Ly Na
Nghệ sĩ Thương Huyền (trái) biểu diễn đàn tranh tại Hội diễn văn nghệ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2019 ở Hà Tĩnh. Ảnh: Ly Na

Thành tích của Thương Huyền như một minh chứng cho những người trẻ, đặc biệt là những người bạn cùng trang lứa về một quan niệm sống “dám ước mơ, dám thực hiện và theo đuổi đến cùng đam mê”.

* Say mê đàn tranh

Nghệ sĩ Thương Huyền may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc, cha cô là nghệ nhân đàn bầu Đinh Văn Bính (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai). Có lẽ vậy, từ khi chập chững bước chân vào đời, Thương Huyền đã ao ước được trở thành nghệ sĩ.

11 tuổi, Thương Huyền được cha mẹ cho theo học đàn tranh tại Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai, khóa học kéo dài trong 7 năm. Đến năm 2009, đứng trước lựa chọn ngành học ở bậc đại học, cô gái trẻ quyết định thi vào ngành tài chính ngân hàng của Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Vừa đi học, cô vừa đi dạy nhạc để rèn luyện thêm kỹ năng đàn tranh. Tuy nhiên, chỉ được 6 tháng cô quyết định nghỉ học đại học. Một năm sau, cô cùng em gái thi vào Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh và năm đó cô đỗ thủ khoa.

Sau mười mấy năm dày công khổ luyện bên cung đàn từ trung học dài hạn đến đại học và cả cao học, cô được giữ lại làm giảng viên của Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh. Chẳng những vậy, năm 2017 cô còn vinh dự là một trong 2 nghệ sĩ của Việt Nam tham gia dự án Đồng hành văn hóa tại Hàn Quốc (6 tháng). Trên đất nước bạn, cô vừa học văn hóa, học nhạc cụ của Hàn vừa hướng dẫn nghệ sĩ các nước học đàn tranh cùng nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn.

Nghệ sĩ Thương Huyền không giấu giếm tâm sự rằng, học và dạy đàn tranh không quá khó. Nhưng để trở thành người chơi đàn giỏi, ngoài năng khiếu còn cần có đam mê. Năng khiếu làm người chơi trở nên bay bổng hơn trên cây đàn, còn đam mê mang đến hứng thú. Khi chơi đàn, cô chơi hết trái tim và tâm hồn mình, chú tâm để phô diễn được vẻ đẹp của âm thanh rồi đẩy nó lên một tầm cao mới làm nổi bật “tiếng nói” của đàn tranh. “Chỉ khi chơi đàn bằng trái tim yêu thương thì khán giả sẽ cảm nhận được và họ sẽ yêu thương mình, âm nhạc của mình” - cô bộc bạch.

Cùng với hoạt động biểu diễn trong và ngoài tỉnh, định kỳ hằng năm, nghệ sĩ Thương Huyền đều đến Hàn Quốc tham gia chương trình giao lưu văn hóa. Cô cho biết mỗi lần giao lưu, để kết hợp hài hòa đàn tranh với các loại nhạc cụ, cô luôn điều chỉnh “dây đàn” sao cho phù hợp nhất, khi diễn không bị “chênh”. Hầu hết các tác phẩm âm nhạc có “màu sắc” đương đại được thể hiện bằng đàn tranh đều đem lại nhiều thú vị, cảm xúc cho người nghe.

* Lan tỏa nhạc cụ truyền thống

Không chỉ là một nghệ sĩ đàn tranh, Thương Huyền còn luôn muốn truyền cảm hứng rộng rãi đến những người yêu nghệ thuật. Bởi vậy, cô chọn cách vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa tích cực tham gia giảng dạy cho học sinh, sinh viên tại Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh những mong cái hay, cái đẹp của kho tàng âm nhạc Việt Nam đến được với người trẻ.

Nghệ sĩ Thương Huyền cho biết, hiện nay không chỉ ở các trường chuyên nghiệp mới dạy âm nhạc dân tộc mà trong các bậc học ở tiểu học và phổ thông, nhiều trường đã đưa các loại nhạc cụ truyền thống vào giảng dạy. Đây là tín hiệu vui trong đào tạo, bảo tồn và phát huy âm nhạc Việt Nam. Qua đó, tạo sân chơi, cơ hội để học sinh phát triển năng khiếu, giáo dục lòng tự hào dân tộc.

Riêng việc dạy học đàn tranh tại Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai, nghệ sĩ Thương Huyền nói rằng phần lớn học sinh theo học là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, dạy học phải kết hợp giữa phương pháp truyền ngón, truyền khẩu và hiện đại. Có như thế mới giúp học sinh bắt nhịp và tiếp cận nhanh hơn.

 “Tôi không đi theo lối mòn chỉ dạy học sinh đánh những bài bản cũ mà vừa dạy cái xưa để giữ cốt cách, vừa dạy những ca khúc mới được chuyển soạn cho đàn tranh. Đó chính là cách đàn tranh dễ đến và lan tỏa gần hơn với mọi người” - cô bày tỏ.

Nói về nghệ sĩ Thương Huyền, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Trường trung cấp Văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Thị Ánh cho hay: “Thương Huyền là nghệ sĩ trẻ hội đủ hai yếu tố là “say nghề” và có tố chất, lại được trau dồi từ thực tiễn làm nghề nên cô sớm khẳng định được bản thân. Bằng tài năng, Thương Huyền đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá, giới thiệu dòng nhạc này đến công chúng đương đại, đặc biệt là với giới trẻ. Chúng tôi vui mừng khi Đồng Nai có lực lượng kế cận như cô”.

Gần 20 năm hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Thương Huyền đã biểu diễn thành công nhiều tác phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước với kỹ thuật diễn tấu cao; đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc ở Đà Nẵng năm 2012; huy chương bạc tại Liên hoan đàn hát dân ca ba miền năm 2016... Mới đây nhất, trong Hội diễn văn nghệ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2019 ở Hà Tĩnh, cô đã biểu diễn đàn tranh cùng tiết mục độc tấu đàn nguyệt Tình quân dân, góp phần đưa tiết mục này đoạt huy chương bạc.

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  794,094       2/824