Văn hóa

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Từng ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đồng Nai là một trong những địa phương còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp và đại diện các sở, ngành liên quan trong chuyến khảo sát tại Nhà trưng bày Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: M.Ny
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp và đại diện các sở, ngành liên quan trong chuyến khảo sát tại Nhà trưng bày Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: M.Ny

Nhận thức được tầm quan trọng đó, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng việc bảo tồn, tu bổ và phục hồi các di tích nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử.

* Quan tâm trùng tru, tôn tạo di tích

Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Xuân Nam cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 50 di tích được xếp hạng và hàng ngàn di tích phổ thông được kiểm kê, đưa vào danh mục để bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Xuân Nam cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa ban hành quy chế quản lý nguồn thu, nguồn công đức, xã hội hóa ở các di tích. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho ngành Văn hóa để ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế về quy định các nguồn thu này để các di tích, nhất là cơ sở tín ngưỡng tôn giáo có hoạt động quản lý kinh phí chặt chẽ, công tâm và khách quan. Từ đó, giúp các di tích có nguồn thu để vừa đảm bảo công tác tu bổ vừa tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân”.

Trong số những di tích được quan tâm, đầu tư nhiều phải kể đến là: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Mộ cự thạch Hàng Gòn, Nhà lao Tân Hiệp, Chiến khu Đ… Các di tích này được đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, đưa vào phục vụ nhằm phát huy giá trị, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Từ khi di tích được phân cấp quản lý về địa phương, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã và đang thực hiện dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo các hạng mục tại di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ.

Dự án ngoài nâng cấp nhà trưng bày, xây dựng nhà bia, cải tạo nhà vệ sinh hiện hữu của Căn cứ Khu ủy còn xây dựng biểu trưng Chiến khu Đ ở ngã ba đường vào 3 di tích: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, di tích địa đạo Suối Linh và Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ. Công trình được thực hiện nhằm chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Căn cứ Khu ủy (1961-2021).

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Trần Văn Mùi cho biết, việc sửa chữa, cải tạo Căn cứ Khu ủy đã và đang được tiến hành nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của di tích. Riêng với biểu trưng Chiến khu Đ, do vừa mang nghĩa lịch sử vừa mang ý nghĩa nghệ thuật nên các mẫu phác thảo sẽ được hội đồng nghệ thuật đánh giá, lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện thực hiện hiện nay, đảm bảo đúng tiến độ thi công công trình.

“Một khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ là điểm đến phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu cho du khách khi đến Chiến khu Đ. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ biết trân trọng, gìn giữ giá trị truyền thống; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng phát triển” - ông Mùi nhấn mạnh.

* Gắn quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Hiện nay, công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh được phân cấp về cho các địa phương. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Xuân Nam, các di tích giao cho địa phương quản lý vẫn chưa như kỳ vọng và còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó nổi lên các vấn đề như: thiếu nguồn nhân lực làm công tác quản lý di tích, thiếu lực lượng kế thừa, am hiểu kiến thức về di tích; sự đầu tư cho hoạt động tu bổ di tích còn hạn chế. Đặc biệt, sự quan tâm của các cấp được giao quản lý di tích nhiều nơi chưa thực sự tâm huyết.

“Mặc dù công tác tu bổ, tôn tạo di tích đã có các văn bản hướng dẫn của Nhà nước và của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch nhưng nhiều di tích, nhất là các di tích phổ thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn thực hiện theo lối truyền thống. Một mặt là do thủ tục xin cấp phép về tu bổ di tích hiện nay còn rườm rà. Mặt khác, một số di tích khi được mạnh thường quân đầu tư, họ thường làm theo ý kiến cá nhân hoặc của nhà đầu tư dẫn đến việc chưa tuân thủ theo các thủ tục hướng dẫn” - ông Nam nói.

Thực tế trên cho thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích ở địa phương cần phải gắn với công tác quản lý để có sự hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ từ các cơ quan, đơn vị chuyên môn. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường liên kết, phối hợp với các ngành có liên quan để tuyên truyền đến người dân ý thức thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Trong bảo tồn, tôn tạo di tích văn hóa, lịch sử, song song nguồn ngân sách các cấp, các ngành và địa phương cần huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa. Tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ tại các điểm di tích về kỹ năng ứng xử và vốn ngoại ngữ; xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với những di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu… Có như vậy mới đảm bảo cho việc giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy giá trị di tích với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.               

My Ny

Đồng Nai

© 2021 FAP
  624,670       1/290