Văn hóa

Đau đáu nỗi nhớ quê, nhớ nhà...

Lê Sỹ Tùng, một hội viên trẻ của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, nhưng lại không phải là một cái tên quá mới trên văn đàn. Thơ anh đã từng được nhiều báo đăng tải cách đây cả chục năm. Thơ anh thiên về nội tâm, giàu ẩn chứa và sâu nặng nỗi niềm. Tập thơ Gầm giường mới ra mắt độc giả là một phá cách của anh trong sáng tác.

Bìa tập thơ Gầm giường
Bìa tập thơ Gầm giường

Gầm giường cái tên hơi lạ làm độc giả tò mò, thích thú khi khám phá. “Gầm giường” anh dùng ở đây không phải là câu chuyện trinh thám, cũng không phải là những bí mật, mà anh muốn nói rằng, con người đến với thế giới đầu tiên là ở cái giường, sống nằm trên cái giường, chết đi cũng nằm trên giường trước khi khâm liệm. Chính cái gầm giường đã chứng kiến những buồn vui, trưởng thành, bệnh tật đớn đau hay hạnh phúc của một đời người. Gầm giường cũng là nơi chứng kiến những lời ru của mẹ ru ta từ thuở ấu thơ:

Chiếc mền kéo hoài vẫn hở

Gầm giường ướt đẫm lời ru.

                                            (Góc khuất)

Đi theo dòng cảm hứng đó, anh có nhiều bài thơ trăn trở về cha mẹ, về quê hương khi bản thân đã trải qua nhiều thăng trầm, đã tích lũy được những vốn sống khá dày dặn. Điều anh muốn nói đầu tiên là làng quê của mình, nơi anh nặng nợ ân tình, mà mỗi lần được về thăm luôn làm anh xao xuyến:

Cho tôi được đứng giữa làng

Tự lau nước mắt với hàng phi lao

Cho tôi vịn lại cầu ao

Để soi lại bóng thuở nào vừa tan.

                                               (Ký ức làng)

Nỗi nhớ quê, nhớ mẹ đôi khi nó chỉ giản đơn:

Mây hoang lùi về phía núi

Khói nhà làng mạc bốc hơi

Ruộng đồng xác xơ thân rạ

Mảnh vườn mẹ hái rau thơm.

                                   (Mỗi chiều nhớ mẹ)

Sau bao năm xa cách, trở về làng trong một tâm thế khác, anh ngờ ngợ với chính những lối quen, vì nơi ấy nhiều điều đã thay đổi, thay đổi lớn nhất là mẹ cha không còn nữa:

Trưa đứng giữa quê ngờ ngợ lối về

Thấp thỏm giữa hai bờ hư thực

Con đứng bên cúi đầu cha mẹ

Cầm lòng đỏ một chân nhang.

                                                (Con về)

Đối với Lê Sỹ Tùng, không gì có thể quên được ký ức, không gì có thể quên được miền quê, nơi mà anh dành trọn cả cuộc đời để đau đáu nhớ về. Một khúc giao mùa, một làn gió se lạnh cũng làm anh xao xuyến:

Đoản khúc mùa xuân rắc màu rêu ngõ

Rưới lên mình hoang hoải xuân xưa

Chăn mỏng đắp ủ tan từng mảnh vỡ

Khúc giao mùa mắc nợ thơ ơi.

                                                   (Khúc giao mùa)

Từ những tình cảm đối với quê hương, anh cũng đau đáu một nỗi nhớ cha mẹ tảo tần sớm tối. Nhưng giờ đây mẹ cha không còn nữa, để nỗi nhớ làng cứ đau đáu mãi không thôi:

Quê mình chừ nắng gắt mưa dai

Nắng cháy sém cỏ vàng bên mộ mẹ

Con quạ đứng im hơi rồi vụt cánh

Mưa vẫn rơi thấm lạnh tim người.

                                              (Mùa vu lan)

Tình cảm với làng quê, với mẹ cha, với nơi chôn rau cắt rốn là một tình cảm bao trùm toàn tập. Ngoài ra, Lê Sỹ Tùng cũng có những bài thơ viết về cuộc sống, về những trăn trở của người cầm bút, về sự đổi thay của xã hội với phong cách thơ hoàn toàn mới.

Một mảng đề tài nữa được đề cập khá nhiều trong tập thơ là tình yêu. Tình yêu trong thơ Lê Sỹ Tùng nhẹ nhàng mà sâu sắc:

Ta hong trong cõi mịt mù

Hương ai bay lạc rớt từ tim ra

Ta hong ngoài ngõ trong nhà

Men say vỗ cánh như là tóc em.

                                                  (Hong)

Hoặc:

Đôi chân rảo bước rạc rời

Giẫm lên men ủ dậy lời đắng cay

Ta cùng cơn gió chiều nay

Ngủ hoang trong khoảng vườn này của em.

                                                                                                                 (Bước)

Thơ Lê Sỹ Tùng không quá cao xa mà gần gũi với cuộc sống, phản ánh cuộc sống, để từ đó nói lên tâm sự, nói lên nỗi lòng thi sĩ. Tập thơ Gầm giường vừa mang âm hưởng thơ truyền thống, vừa có những câu từ hiện đại. Tác giả tự làm mới mình, làm mới thơ với thế giới quan sinh động. Có thể là bất bình đấy nhưng không gây thù hận; có thể là yêu đấy nhưng không bi lụy; có thể là nhớ đấy nhưng không não nề sầu khổ; có thể nghèo đấy nhưng không xác xơ bần hàn. Chính những điều đó làm cho tập thơ thêm hấp dẫn.

Tập thơ dày 144 trang, khổ 13x19cm, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý II-2019.    

Hạ Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  793,661       3/854