Văn hóa

Nhìn cải lương xưa, làm gì cho cải lương hôm nay?

Cuối tuần qua, tại Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi tọa đàm Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương tại Sài Gòn (1955-1975).

Một cảnh trong vở Bão táp một vương triều. Vở diễn đoạt huy chương vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai. Ảnh: T.Trọng
Một cảnh trong vở Bão táp một vương triều. Vở diễn đoạt huy chương vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai. Ảnh: T.Trọng

Đây là giai đoạn được nhiều người làm nghề đánh giá nghệ thuật cải lương đã thực sự định hình và phát huy được tổng hòa các nền văn hóa khác nhau.

* Cái cũ của cải lương là gì?

Tính tới năm 1955, nghệ thuật cải lương ở vào tuổi 33. Hơn 30 năm đó cải lương từ sơ khai đã tự hoàn chỉnh, nâng cao để rồi nhanh chóng hình thành một bộ môn nghệ thuật sân khấu độc đáo, không chỉ ở Nam bộ mà còn ảnh hưởng sâu rộng trên cả nước. Giai đoạn 1955-1975 là thời kỳ cải lương phát triển toàn diện nhất, hấp dẫn nhất từ hình thức sân khấu đến nội dung các vở diễn, phong cách nghệ thuật của mỗi đoàn hát.

Sân khấu cải lương đã có đội ngũ tác giả, đạo diễn bậc thầy như: Năm Châu, Trần Hữu Trang, Mộng Vân, Hà Triều - Hoa Phượng, Thu An… Những nghệ sĩ thế hệ vàng như Út Trà Ôn, Tám Vân, Út Bạch Lan, Thanh Hương, Thành Được, Thanh Nga, Hữu Phước, Ngọc Giàu, Thanh Hải, Minh Cảnh, Tấn Tài, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Diệp Lang, Lệ Thủy, Minh Phụng, Mỹ Châu, Minh Vương… Đội ngũ nhạc sĩ tài hoa như: Sáu Tửng, Bảy Bá, Năm Cơ, Văn Vĩ, Ngọc Sáu, Hai Thơm, Tư Huyện… cùng các họa sĩ thiết kế, chuyên viên ánh sáng xuất sắc. Giai đoạn này cả miền Nam có hơn trăm đoàn hát lớn nhỏ từ nông thôn đến thành thị với nhiều trường phái, màu sắc khác nhau trong đó có hai trường phái cơ bản là màu sắc, hương xa, kiếm hiệp, cổ trang và trường phái tâm lý xã hội.

 Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu đặt vấn đề: “Bây giờ chúng ta hay kêu gọi đổi mới cải lương, nhưng nói cái cũ của cải lương là gì có thể các bạn trẻ cũng không biết. Vì vậy từ buổi tọa đàm này chúng ta cùng nhìn lại giai đoạn đó. Ví dụ chúng ta nhận thấy yếu tố tạo nên sự bền vững của sân khấu cải lương thời đó là đoàn hát, bầu gánh, nghệ sĩ cho đến tuồng hát thì đối chiếu hiện tại để thấy chúng ta bị gãy khâu nào. Một số khuynh hướng trước đây tạo ra phong cách bây giờ còn không? Liệu chúng ta ứng dụng lại có đáp ứng được công chúng hiện tại hay dựa theo những khuynh hướng đó cải tiến như thế nào cho sân khấu tốt hơn…”.

* Nhìn về “vàng son” không phải để so sánh, chê bai…

Là người trực tiếp tham gia tích cực các hoạt động của sân khấu cải lương hôm nay, NSƯT Lê Tư đau đáu: “Tôi cho rằng việc tìm hiểu về thời vàng son của cải lương là cần thiết nhưng không phải để so sánh, chê bai mà từ đó chúng ta có chiến lược nhìn xa, phải có hành động thiết thực 10-15 năm cho một thế hệ kế tiếp”.

Đạo diễn Ca Lê Hồng cho rằng cần thiết nên viết thêm những bài bản mới mang hơi thở thời đại để làm phong phú thêm cho âm nhạc cải lương.

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu kể: “Trong ký ức của tôi thì sân khấu cải lương ngày xưa như thế nào thì bây giờ y như vậy. Mặc dù bây giờ phương tiện kỹ thuật có nhiều hơn nhưng trang bị của nhà hát lại yếu hơn. Ngày xưa dù thiết bị không hiện đại nhưng sự sáng tạo của những người làm mỹ thuật, kỹ thuật khiến hình thức sân khấu rất lung linh, còn bây giờ người biết linh hoạt ứng dụng, sáng tạo lại không nhiều”.

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cũng chỉ ra nhiều khâu yếu, thiếu của sân khấu cải lương hôm nay như thiếu soạn giả cải lương giỏi, mà có viết được kịch bản cải lương thì may ra tới mùa hội diễn mới có cơ hội được sử dụng. Những quan niệm về cách ca, ví dụ như ca trong tâm lý nhân vật, vở diễn hay ca để khoe giọng đẹp (vì không ít khán giả đến xem cải lương muốn nghe danh ca A, B… nào đó hát chứ không hẳn vì câu chuyện của vở diễn).

TS.Mai Mỹ Duyên cho rằng. chúng ta nên có những buổi hội thảo, nghiên cứu chuyên sâu cho từng lĩnh vực. Ví dụ có những buổi chuyên sâu theo từng đề tài như: âm nhạc cho cải lương; trang trí mỹ thuật cho cải lương; các trường phái ca; kịch bản cho cải lương… Đi sâu như thế mới đủ thời gian bàn luận mỗi khía cạnh một cách đầy đủ từ đó rút ra những bài học thiết thực để ứng dụng tốt vào đời sống cải lương hôm nay.

Trí Trọng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  793,730       3/853