Văn hóa

Đường đến TP.Pushkin

Trên đường từ trung tâm TP.Sankt Peterburg đi về TP.Pushkin, cô Anna hướng dẫn viên du lịch trẻ đẹp người Nga có cái tên tiếng Việt là Lan đã giới thiệu cho chúng tôi nghe tiểu sử tóm tắt của Pushkin, mặt trời thi ca của nước Nga và cô ví von...

Đến nước Nga mà chưa đến Sankt Peterburg thì coi như bạn chưa biết gì nhiều về nước Nga. Đã vậy nếu đến được Sankt Peterburg mà chưa đến TP.Pushkin thì du khách mới chỉ nhìn ngắm được một cô gái đẹp bên ngoài nhưng chưa thể hiểu hết được sự lãng mạn của tâm hồn và vẻ đẹp nội tâm của cô gái ấy…”.

Tác giả bên tượng đài của mặt trời thi ca Nga: Aleksandr Sergeyevich Pushkin
Tác giả bên tượng đài của mặt trời thi ca Nga: Aleksandr Sergeyevich Pushkin

* Mặt trời thi ca Nga

Trước đây, TP.Pushkin là một thị trấn tuyệt đẹp nằm cách cố đô phương Bắc 29km về phía Nam. Cho đến tận năm 1918 thị trấn vẫn được gọi là Tsarshoye Selo (làng của Sa Hoàng), sau đó nó được đổi tên thành Detskoye Sele (làng trẻ em) và từ năm 1937 nó mang tên của đại thi hào Nga Alexander Pushkin. Thành phố sở hữu nhiều cung điện và công viên tuyệt đẹp. Nơi đây nổi tiếng với Cung điện Catherine được thiết kế theo phong cách Baroque ấn tượng.

Bên cạnh cung điện là trường Lyceum (Litzei), được xây dựng từ thế kỷ 19 dành riêng cho giới thượng lưu. Đây cũng là nơi mà nhà thơ nổi tiếng người Nga, Alexander Pushkin và nhiều người nổi tiếng khác đã từng theo học.

Sau khi tốt nghiệp trường Lyceum, Pushkin tích cực tham gia vào các hoạt động văn học - nghệ thuật của giới quý tộc trí thức trẻ tại Sankt Peterburg, lúc bấy giờ đang nỗ lực đấu tranh cho một cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ nông nô tại Nga. Thời gian này ông cho ra đời những bài thơ mang tính chính trị. Năm 1820, Pushkin cho in bản trường ca đầu tiên của mình: Ruslan và Lyudmila và ngay lập tức tạo được tiếng vang lớn về phong cách cũng như chủ đề. Dù vậy ông cũng phải chịu sự công kích dữ dội từ phía chính quyền.

Mùa xuân năm 1820, do những bài thơ cách mạng, thống đốc Sankt Peterburg, bá tước M.Miloradovich, đã quyết định đày Pushkin tới Sibir. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ và ảnh hưởng của những người bạn lớn, cuối cùng ông chỉ phải chịu mức án nhẹ hơn là bị trục xuất khỏi TP.Sankt Peterburg vô thời hạn. Sau khi rời Sankt Peterburg, Pushkin đã đi xuống miền Nam nước Nga.

Trong thời gian này ông vẫn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới có ảnh hưởng rất lớn tới văn học Nga thế kỷ 19, như: Người tù binh Kavkaz, Gavriiliada, Anh em lũ cướp, Đài phun nước Bakhchisaraysky. Năm 1823, Pushkin bắt tay vào viết tiểu thuyết bằng thơ, kiệt tác Evgeny Onegin.

Tháng 7-1824, với đơn xin ân xá, Pushkin được chính quyền cho phép về ở khu trang trại tại vùng Mikhailovskoe dưới sự kiểm soát của gia đình. Tại đây ông đã sáng tác những tác phẩm lịch sử như vở kịch Boris Godunov, Với biển cả, trường ca Những người Di-gan...

Cuối năm 1825, thông qua một số viên chức có thiện chí, Pushkin đã được tiếp cận Nga hoàng Nikolai I để đệ đơn xin ân xá và được Nga hoàng chấp thuận. Tuy nhiên, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa tháng Chạp năm 1825 tại
Sankt Peterburg, chính quyền đã xem xét lại tất cả các ấn phẩm chống đối chính quyền của Pushkin trước đó và quyết định buộc ông bị quản thúc tại gia và có chính sách kiểm duyệt nghiêm khắc các tác phẩm của nhà thơ. Pushkin đã chuyển về Moskva sống trong thời gian này.

Cùng năm 1831, Pushkin kết hôn với người đẹp Natalia Goncharova, người đã đem lại cho ông cảm hứng sáng tác lớn lao. Ông hoàn tất chương Bức thư của Onegin trong tác phẩm Evgeny Onegin và cũng là chương kết của công trình vĩ đại mà nhà thơ đã mất 8 năm để thực hiện.

Evgeny Onegin là tác phẩm dài nhất và nổi tiếng nhất của Puskin. Ông đã dày công thực hiện nó từ năm 1823 đến năm 1830. Sau này nhà soạn nhạc người Nga nổi tiếng Tschaikovski đã dựa vào bản trường thi này để viết vở opera Evgeny Onegin.

Năm 1837, do những tin đồn thất thiệt về quan hệ ngoại tình của vợ mình với Georges d’Anthès, một sĩ quan kỵ binh trong quân đội Sa hoàng, Puskin đã thách đấu súng với viên sĩ quan trẻ tuổi này. Cuộc đọ súng đã kết thúc hết sức bi kịch khi cả hai đối thủ đều bị thương, nhưng Puskin đã bị trọng thương và qua đời ngày 10-2-1837…

* Khám phá TP.Pushkin

Hình như đã có kinh nghiệm nhiều trong việc hướng dẫn đoàn du lịch, khi Anna vừa chấm dứt câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Pushkin cũng là lúc xe chở chúng tôi dừng bánh trước một khu rừng rộng lớn với những vườn cây trồng theo từng loại riêng đang thay đổi màu lá hàng ngày theo mùa thu. Còn cả cây số nữa mới đến cung điện Ekaterina, nhưng đứng trước một cảnh đẹp như thế này giữa trời thu mát mẻ, tất cả mọi người đều xuống xe đi bộ vừa ngắm cảnh vừa tranh thủ chụp hình.

Aleksandr Sergeyevich Pushkin được sinh ra ở Moskva (Nga) ngày 6-6-1799  trong một gia đình quý tộc Nga. Pushkin là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Nga. Được tôn vinh là đại thi hào, mặt trời thi ca Nga, ông đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại và là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga thế kỷ 19 bởi nhiều cống hiến trong sự đa dạng hóa ngôn ngữ văn chương.

Đã đến TP.Pushkin trước tiên phải ghé thăm cung điện Ekaterina được xếp hạng là một trong những cung điện lộng lẫy và nguy nga nhất thế giới. Tại đây chúng tôi được chiêm ngưỡng những kỳ quan, những báu vật, những tác phẩm hội họa nổi tiếng, nhưng mãn nhãn nhất có lẽ là phòng lớn khiêu vũ và phòng ốp hổ phách có một không hai trên thế giới.

Sau vài giờ khám phá những cung điện, những khu vườn, những cánh rừng và những thảm cỏ tuyệt đẹp chúng tôi men theo một con đường đất đỏ hai bên đường trồng  rất nhiều những khóm hoa rực rỡ phía dưới những bức tượng nghệ thuật làm mê hoặc lòng người. Theo lối đi dẫn tôi đến trước tượng đài Pushkin  được đúc bằng đồng thau đặt trên bệ  đá hoa cương. Thật là dịp may hiếm có, tôi và Mai Hân Hạnh đều là dân làm thơ cùng sinh hoạt trong Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai lại có dịp chụp hình bên tượng đài của mặt trời thi ca Nga, ngay trên thành phố mang tên của Aleksandr Sergeyevich Pushkin.

Trên xe trở về Sankt Peterburg, trong lúc ngồi ngắm những bức hình chụp với Pushkin, không biết vì lý do gì mà Anna nhìn tôi cười và hỏi: “Trong số những bài thơ tình của Pushkin chú thích nhất bài gì?’’.

“Chú thích nhiều bài lắm, nhưng lâu quá rồi nên chú chỉ thuộc có một bài thơ ngắn: Tôi yêu em, chú đọc cho Anna nghe nhé:

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen;

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”…   

Hoàng Đình Nguyễn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  793,968       1/835