Xã hội

Góp tiếng nói cho những vấn đề thực tiễn

Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai tổ chức đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2018-2023) tại Trường đại học Đồng Nai vào sáng nay 16-6. Từ đại hội này, Hội sẽ có thêm nhiều chương trình hoạt động mới để tiếp tục góp phần vào sự phát triển của tỉnh.

Hội viên Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai tổ chức hội thảo để chia sẻ với giáo viên các trường về tâm lý học đường. Ảnh: T.L
Hội viên Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai tổ chức hội thảo để chia sẻ với giáo viên các trường về tâm lý học đường. Ảnh: T.L

Theo Ban Thường vụ Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai, từ khi Hội thành lập năm 2006 đến nay đã tạo được sợi dây kết nối và tập hợp nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục học để cùng nghiên cứu, tìm ra giải pháp về tâm lý học cho nhiều vấn đề của cuộc sống.

* Đa dạng các hoạt động

Khi mới thành lập, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai tập hợp được gần 80 hội viên. Điều kiện sinh hoạt của Hội khá khó khăn do thiếu kinh phí; trụ sở đặt nhờ tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2...

 Góp thêm tiếng nói phản biện thực tế

Theo TS.Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh: “Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai dù không nhiều hội viên nhưng với đội ngũ có trình độ cao, tâm huyết, trách nhiệm, Hội đã có đóng góp không nhỏ góp phần làm rõ thực trạng, nguyên nhân và tìm ra được giải pháp cho những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Từ những nghiên cứu của hội viên đã giúp Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh có thêm thông tin để phản biện, góp ý cho quá trình phát triển của tỉnh”.

Gặp nhiều khó khăn nhưng các hội viên của Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai 12 năm qua đã tận tâm mang kiến thức khoa học, kinh nghiệm và trách nhiệm để nghiên cứu và ứng dụng các đề tài về tâm lý học vào thực tiễn cuộc sống. Nhiều thành viên của Hội đã đến những trường học ở vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để nghiên cứu và tư vấn tâm lý cho học sinh, công nhân…

TS.Phạm Văn Thanh, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai cho biết, từ khi Hội ra đời cho đến nay đã có nhiều đề tài nghiên cứu về các vấn đề thực tiễn của cuộc sống như hỗ trợ thanh thiếu niên nghiện internet - game online, tham vấn tâm lý học trong học đường, phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa... TS.Thanh chia sẻ thêm: “Chúng tôi nghiên cứu nhiều đề tài tâm lý học từ thực tiễn cuộc sống, sau đó ứng dụng trực tiếp vào giải quyết chính những vấn đề đó. Có nhiều đề tài nghiên cứu hiện được coi là học liệu quan trọng đưa vào giảng dạy cho sinh viên ngành sư phạm của Trường đại học Đồng Nai, Trường đại học Nguyễn Huệ, Trường cao đẳng an ninh nhân dân 2, Trường giáo dưỡng số 4...”.

Nhiều buổi tham vấn tâm lý của các hội viên ở cơ sở đã được người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên và công nhân đón nhận. Ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, Đồng Nai có gần 1 triệu công nhân trong các khu công nghiệp. Cuộc sống khó khăn, áp lực công việc đã làm nảy sinh nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý. Nhiều hội viên của Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai đã nhiệt tình tham gia các buổi tham vấn tâm lý cho công nhân ở các khu nhà trọ sau giờ làm việc. Qua đây công nhân được chia sẻ, giãi bày và khơi gợi giải pháp để công nhân thông tư tưởng, có tinh thần tốt hơn để vượt qua khó khăn.

* Tạo sân chơi thiết thực cho hội viên

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho biết với số lượng trên 70 ngàn học sinh và trên 800 trường học của tỉnh, vấn đề tâm lý trường học ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, những năm qua các hội viên của Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai đã có rất nhiều đóng góp cho ngành GD-ĐT của tỉnh nghiên cứu chuyên sâu thực trạng về nhiều vấn đề tâm lý trường học, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết các thực trạng đó, giúp học sinh định hướng tốt tư tưởng đạo đức, tình yêu, giới tính, bạo lực học đường, hướng nghiệp…

Trước thực trạng các trường phổ thông đang thiếu hụt trầm trọng các chuyên gia tâm lý học đường có chuyên môn sâu, các hội viên của Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai chính là nòng cốt chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm với giáo viên các trường phổ thông để từng bước nâng cao hiệu quả công tác tham vấn tâm lý trường học.

Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh Tạ Quốc Hạnh vui mừng cho biết: “Đứng trước nhiều khó khăn và thiếu thốn nhưng bằng những hoạt động phong phú, thiết thực, Hội đã tập hợp được ngày càng nhiều các nhà khoa học tâm lý tham gia và đóng góp cho Hội. Nếu như năm 2006 khi mới thành lập, Hội mới chỉ có gần 80 hội viên thì nay đã lên đến gần 200 hội viên với nhiều độ tuổi khác nhau, trình độ không ngừng được nâng cao so với trước”.

Đến nay 100% hội viên Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai có trình độ đại học, trong đó một nửa hội viên có trình độ sau đại học. Chỉ tính từ năm 2012- 2017, Hội có thêm 5 hội viên hoàn thành chương trình tiến sĩ, 23 người hoàn thành chương trình thạc sĩ và 15 người hoàn thành chương trình bác sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2 về lĩnh vực tâm lý. Số chi hội khoa học tâm lý giáo dục hiện đã được thành lập ở nhiều trường, từ mầm non tới đại học, các bệnh viện... Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai hiện có 9 chi hội, tăng 4 chi hội so với năm 2012.

Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai Tạ Quốc Hạnh nhấn mạnh xã hội càng phát triển thì vị trí và vai trò của các nhà tâm lý học ngày càng cần thiết cho sự phát triển đó. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội không chỉ tăng thêm về số lượng hội viên, chi hội cơ sở mà còn tiếp tục củng cố và làm đa dạng thêm các hoạt động, theo hướng cụ thể, chuyên môn sâu và thiết thực.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,139,862       1/920