Xã hội

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Chương trình học kỳ quân đội đã được nhiều địa phương tổ chức trong dịp hè này. Tuy chỉ diễn ra trong 1 tuần lễ nhưng chương trình là dịp để nhiều học sinh tự khám phá khả năng bản thân.

Các “chiến sĩ nhí” huyện Nhơn Trạch viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện. Ảnh: C.NGHĨA
Các “chiến sĩ nhí” huyện Nhơn Trạch viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện. Ảnh: C.NGHĨA

Phó chủ tịch Hội đồng Đội huyện Long Thành Đỗ Kiều Trang cho hay: “Chỉ đúng 2 ngày thông báo chiêu sinh chương trình học kỳ quân đội ban tổ chức đã tuyển đủ 100 “chiến sĩ nhí”. Sau 1 tuần sinh hoạt, học tập trong môi trường quân đội, nhiều em đã thể hiện sự trưởng thành rõ rệt, thậm chí có em bày tỏ mong muốn học kỳ quân đội năm sau sẽ kéo dài hơn nữa”.

* “Đắt show” học kỳ quân đội

Theo chị Trang, sở dĩ học kỳ quân đội mỗi dịp hè lại “đắt show” là bởi hiệu ứng tốt của những học kỳ trước được nhiều phụ huynh biết đến. Nhiều phụ huynh coi 1 tuần gửi con vào môi trường quân đội là những “ngày vàng” giúp con khép mình vào kỷ luật, tự lập và rèn kỹ năng sống. Hơn nữa học phí để tham gia chương trình chỉ chưa đến 1 triệu đồng do Huyện đoàn vừa huy động nguồn xã hội hóa, lại vừa được ngân sách huyện và Lữ đoàn Pháo binh 96 (xã An Phước, huyện Long Thành) hỗ trợ thêm.

* Vun đắp tình yêu nước và kỹ năng sống
Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Mùa hè năm nay có một nét mới, đó là tất cả các đơn vị Đoàn cấp huyện đều phối hợp với Phòng GD-ĐT và một số đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh triển khai học kỳ quân đội. Qua học kỳ quân đội nhiều học sinh đã được vun đắp lòng yêu nước, rèn luyện kỹ năng sống, tự khám phá khả năng bản thân. Từ những hoạt động của chương trình đã giúp học sinh tự tin và tự lập hơn”.

Bước vào sinh hoạt tại Lữ đoàn Pháo binh 96, các “chiến sĩ nhí” hầu như không khỏi bỡ ngỡ. Môi trường quân đội khác hẳn với thường ngày ở nhà khi mọi việc đều tuân theo kỷ luật và nề nếp nghiêm chỉnh. Các em phải làm quen với những buổi tập luyện ngoài thao trường nắng gắt như: tập đội hình đội ngũ, chạy bộ, vượt hàng rào thép gai… Sau các buổi tập còn được làm quen với công việc như: tưới cây, trồng rau, tự giặt quân phục cá nhân...

Em Nguyễn Quang Thành, học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Ứng (thị trấn Long Thành), cho biết: “Cha của em từng là bộ đội và đã kể về cuộc sống và kỷ luật quân đội, nhưng khi được trải nghiệm em mới hình dung được phần nào những vất vả của các chú bộ đội. 7 ngày trong quân đội em rèn luyện tác phong chấp hành giờ giấc, kỷ luật trong tập luyện, sinh hoạt, rèn thêm kỹ năng tự phục vụ khi không có cha mẹ ở bên lo cho mọi thứ”.

Hè này là năm thứ 3 liên tiếp Huyện đoàn Nhơn Trạch phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện và Căn cứ 696 (Vùng 2 Hải quân) tổ chức học kỳ quân đội. Do học sinh đăng ký đông nên Huyện đoàn phải tổ chức thành 2 đợt, đợt đầu có 51 em, đợt 2 lên đến 63 em. Những ngày vào đơn vị quân đội rèn luyện và học tập, các “chiến sĩ nhí” được trải nghiệm nhiều nội dung như: rèn luyện ngoài thao trường, tham quan các di tích lịch sử cách mạng như địa đạo Rừng Sác, viếng nghĩa trang liệt sĩ và đền thờ liệt sĩ huyện, thăm và tặng quà bà mẹ Việt Nam anh hùng…

* Những kỷ niệm đáng nhớ

Hè 2018, 117 “chiến sĩ nhí” của 3 huyện Tân Phú, Định Quán và Xuân Lộc đã có cuộc “hội quân” đáng nhớ tại Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 để tham gia học kỳ quân đội do Huyện đoàn Tân Phú, Định Quán và Xuân Lộc phối hợp với đơn vị tổ chức. Bí thư Huyện đoàn Tân Phú Trương Thị Ngọc Giàu cho biết: “Phụ huynh rất quan tâm tới việc rèn luyện kỹ năng cho con em trong dịp nghỉ hè. Danh sách đăng ký tham gia học kỳ quân đội của học sinh huyện khá đông nhưng chỉ có 36 em được chọn”.

Một học viên tham gia học kỳ quân đội tại Lữ đoàn Pháo binh 96 tập chui qua hàng rào thép gai.
Một học viên tham gia học kỳ quân đội tại Lữ đoàn Pháo binh 96 tập chui qua hàng rào thép gai.

Học kỳ quân đội không đơn thuần chỉ là những buổi tập vất vả trên thao trường, chấp hành kỷ luật “thép” của quân đội, mà nhiều em còn có cơ hội nhìn lại bản thân từ phong cách sinh hoạt, tự chăm sóc bản thân và đặc biệt hơn có những ngày lắng đọng để nghĩ về cha mẹ. Nhiều em cảm thấy “lạ” với bữa ăn trong quân đội khác với ở nhà khi mọi thứ được cha mẹ bày biện sẵn, còn trong quân đội mỗi em phải tự trang bị chén, đũa, tự lấy cơm, tự rửa chén bát và cất gọn gàng trong hành lý.

Đối với em Vũ Hoàng Nam, học sinh Trường THCS Trần Nhân Tông (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán), đợt tham gia học kỳ quân đội này là lần đầu tiên trong đời em sống xa cha mẹ dài đến 1 tuần lễ. Càng khó khăn hơn khi quy định của đơn vị là em không được dùng điện thoại liên lạc về nhà. Em Nam chia sẻ: “Buổi tối trước khi đi ngủ, các chú bộ đội yêu cầu tắt hết điện, chỉ thắp nến ngồi viết thư về cho cha mẹ. Qua đó, em nhận ra lâu nay mình đã dựa dẫm cha mẹ rất nhiều. Khi không có cha mẹ ở bên  em mới biết tự lập hơn và nhận ra tình cảm dành cho cha mẹ nhiều hơn”.

Chị Trương Nguyệt Hà, công tác tại Ngân hàng đầu tư - phát triển Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, cho hay hè này chị đăng ký với Thành đoàn Biên Hòa cho con tham gia học kỳ quân đội vì chị đã nghe khá nhiều về chương trình này.

Sau khi con trai trở về từ chương trình học kỳ quân đội tại Lữ đoàn Pháo binh 75, chị Hà nhận xét: “Một tuần gặp lại con, cảm nhận con đen hơn một chút nhưng lại rất rắn rỏi và chững chạc. Khi ngủ dậy con biết tự gấp mùng mền gọn gàng, vuông vức. Con cũng gửi cho cha mẹ bức thư mà con viết vào những buổi tối xa nhà đầy xúc động, kèm theo lời hứa sẽ chăm ngoan hơn. Con đã chia sẻ ước mơ sau này phấn đấu trở thành bộ đội sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc”.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,136,446       70/3,001