Xã hội

Học để không bị tụt hậu

Nhờ tinh thần tự học, học nữa, học mãi không kể tuổi tác để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhiều người đã có chỗ đứng vững chắc trong xã hội hay đơn giản là làm chủ được cuộc đời mình.

Một lớp học nghề do Trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) tổ chức
Một lớp học nghề do Trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) tổ chức. Ảnh: H.Dung

* Học chưa bao giờ là muộn

Hơn nửa năm nay, nông dân Trương Văn Mỹ (ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) ngày nào cũng cần mẫn tự học tiếng Anh trên điện thoại di động. Ông Mỹ chia sẻ: “Ở tuổi 55, đầu óc không còn minh mẫn, việc tiếp thu kiến thức không mấy dễ dàng nhưng khi nghĩ đến việc nếu không biết tiếng Anh sẽ không thể hiểu hay chỉ bài môn tiếng Anh cho các cháu, tôi lại có động lực để học tiếp”.

Theo đó, ông Mỹ học bất cứ khi nào có điều kiện, kể cả khi rảnh rỗi đến lúc làm rẫy. Ông bộc bạch: “Tiêu chí tôi đặt ra là thấm được tí nào hay tí đó. Mục đích học của tôi cũng đơn giản lắm. Bây giờ đất nước mình hội nhập sâu rộng rồi, phải học tiếng Anh để có thêm cơ hội trong làm ăn kinh tế, hoặc ít nhất là nếu có tiền mà đi du lịch nước ngoài thì còn biết cách hỏi thăm để không bị lạc đường”.

Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 55% gia đình, 35% dòng họ, 68,5% cộng đồng, 64% đơn vị được công nhận các danh hiệu: gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập.

Không riêng gì ông Mỹ mà nhiều người dân trên địa bàn xã Suối Cát cũng rất tích cực trong việc học tập, tiếp thu kiến thức. Ngoài học tiếng Anh, người dân còn thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cái…

Sau gần 3 năm miệt mài vừa làm ban ngày vừa học vào ban đêm, đến nay, cô công nhân Nguyễn Thanh Hương, Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) đã tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi. Hiện tại, chị Hương vẫn đang làm việc tại công ty nhưng được bố trí công việc với thu nhập tốt hơn.

Chị Hương cho biết, trước đây do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi học hết lớp 12, đành phải nghỉ học để đi làm phụ mẹ nuôi em. Nhưng trong quá trình làm việc, nhận thấy nếu không có kiến thức, không có kỹ năng, ngoại ngữ thì suốt đời chỉ là lao động phổ thông với đồng lương ít ỏi. Do đó, chị Hương mạnh dạn đăng ký và quyết tâm vừa làm vừa học, nâng cao trình độ để tự “cứu” lấy mình trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng.

“Đến giờ, tôi nhận thấy quyết định đi học của mình là đúng đắn. Tôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích, tự tin hơn so với trước kia. Tôi cho rằng, học chưa bao giờ là muộn và ai cũng có thể tự thay đổi cuộc đời mình nếu quyết tâm” - chị Hương tâm sự.

* Hướng tới xây dựng xã hội học tập

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nguyễn Trùng Phương từng nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, việc học chưa bao giờ là thừa với bất cứ ai. Từ người già, người trẻ, không phân biệt nam, nữ đều cần phải học, học thường xuyên để lĩnh hội những kiến thức tiến bộ của nhân loại, học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình. “Kiến thức là kho tàng vô tận. Không ai nắm giữ được toàn bộ kiến thức nhưng chúng ta có thể tiếp thu được nhiều kiến thức từ việc học” - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nguyễn Trùng Phương nhấn mạnh.

Mục tiêu về xây dựng xã hội học tập của Ðồng Nai là đến năm 2020, toàn tỉnh có 70% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình học tập, 50% dòng họ được công nhận dòng họ học tập, 60% cộng đồng đạt cộng đồng học tập, 90% cơ quan, trường học, đơn vị được công nhận đơn vị học tập.

Để khích lệ người dân tiếp tục nỗ lực học tập, những năm qua, Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời được các địa phương triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức khác nhau. Năm nay, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh lựa chọn chủ đề Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại cho tuần lễ này với mục đích góp phần tích cực trong triển khai xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời đối với sự phát triển toàn diện của cá nhân; huy động được sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc triển khai các hoạt động của tuần lễ.

Ngay trong buổi sáng ngày 1-10, nhiều địa phương trong tỉnh như: Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Xuân Lộc đã tổ chức lễ phát động Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời và Ngày Khuyến học Việt Nam (2-10).

Có mặt tại lễ phát động của huyện Vĩnh Cửu, thầy Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT cho biết, huyện Vĩnh Cửu triển khai hoạt động khá bài bản và có nhiều cách làm hay giúp người dân địa phương hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học. Trong buổi lễ, Phòng GD-ĐT huyện, Hội Khuyến học huyện và các mạnh thường quân đã trao nhiều suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của các xã Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm. Qua đó, khích lệ các em tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập, làm chủ kiến thức và có được tương lai tươi sáng hơn.

Hạnh Dung - Tường Vi

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,435,884       62/1,041