Xã hội

Học văn ngoài trời

Tôi đang cùng học sinh say sưa ngắm nhìn hoa lá, cây cỏ trong công viên thì một em đưa tay chỉ và hỏi: "Thầy ơi, cây gì vậy?". Học trò và tôi nhìn về phía cây còng cao to, có tán lá xòe rộng. Tôi hỏi: "Có bạn nào biết tên cây đó không?". Cả lớp tròn xoe mắt nhìn, không có một câu trả lời.

Tôi đang cùng học sinh say sưa ngắm nhìn hoa lá, cây cỏ trong công viên thì một em đưa tay chỉ và hỏi: “Thầy ơi, cây gì vậy?”. Học trò và tôi nhìn về phía cây còng cao to, có tán lá xòe rộng. Tôi hỏi: “Có bạn nào biết tên cây đó không?”. Cả lớp tròn xoe mắt nhìn, không có một câu trả lời.

Học sinh Trường mầm non Phú Vinh, xã Phú Vinh (huyện Định Quán) vui chơi ngoài trời.
Ảnh tư liệu

Với học trò thành thị việc hiểu biết về thiên nhiên luôn thiệt thòi so với các bạn ở vùng quê vì các em ít có dịp được “chạm” vào thiên nhiên. Gần 5 năm qua, tôi và đồng nghiệp lớp 5 của trường thường tận dụng Công viên Nguyễn Văn Trị gần trường để dạy những tiết văn miêu tả ngoài trời. Đây là một không gian tuyệt đẹp có hoa lá, cây cối, tiểu cảnh, bên dòng Đồng Nai hiền hòa, trữ tình. Và có cho các em trải nghiệm, chạm vào cỏ cây, hoa lá mới thấy hết được sự say mê, hứng thú khám phá thiên nhiên và những câu hỏi “ngây ngô” của học trò.

Em thì nhìn hoa râm bụt vô tư: “Hoa này tên gì vậy bạn?”. Có em nhìn cây cau kiểng cũng thấy lạ. Nhiều em ngơ ngác trước một loài hoa lạ như: chuông vàng, dừa cạn… Các em thích thú khi ngắm nhìn những cánh bướm, chú ong đang hút mật. Có dạy ngoài lớp học mới biết các em đang cần gì, óc quan sát tinh tế và hạn chế chỗ nào để giáo viên “vun trồng” thêm.

Rồi khi dạy tới văn miêu tả cảnh sông nước, học trò lại được trải nghiệm bằng khúc sông Đồng Nai chảy qua TP.Biên Hòa. Các em tận mắt được nhìn thấy sông nước, cảnh vật trên sông, những đám lục bình trôi, thuyền bè qua lại, cảnh hai bên sông, cảnh cây cầu Hóa An, cây cầu Ghềnh… Thỏa sức các em ghi chép, ngắm nhìn, cảm nhận về sông nước.

Thực trạng văn mẫu đang “giết chết” cảm xúc của học sinh khi làm văn là có và đáng báo động. Vì thế, những tiết dạy ngoài lớp học đã cho học trò hiểu sâu, hiểu rộng nhiều kiến thức về tự nhiên từ đó giúp các em làm văn chân thật hơn, hay hơn, có cảm xúc, tránh tình trạng “vay mượn” văn mẫu.

Đào Khởi

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,084,822       2/1,055