Xã hội

Xóa khoảng cách giữa gia đình - nhà trường

Xây dựng được niềm tin, mối liên kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường là việc làm cần thiết để tạo sự phối hợp tốt trong công tác giáo dục trẻ. Tuy nhiên, giữa gia đình và nhà trường đang có khoảng cách.

TS.Lê Minh Công
TS.Lê Minh Công

Vậy làm thế nào để xóa được khoảng cách này? Dưới đây là những chia sẻ của TS.Lê Minh Công, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục (ARIPES) về vấn đề trên.

* Quan tâm thích đáng đến việc kết nối gia đình - nhà trường

* Thưa ông, ông có cho rằng hiện nay phụ huynh và nhà trường chưa thực sự có mối liên kết chặt chẽ trong công tác giáo dục trẻ?

- Tôi cho rằng phụ huynh luôn rất cầu thị ở nhà trường. Phụ huynh khi đưa con đến trường học vẫn thường nói với giáo viên rằng “trăm sự nhờ thầy”. Có không ít trường hợp phụ huynh dành hết chức năng giáo dục cho nhà trường mà ít quan tâm đến chức năng giáo dục gia đình. Điều này có thể chấp nhận ở xã hội cũ nhưng đối với xã hội hiện đại ngày nay thì quan điểm giáo dục này không còn phù hợp nữa.

Về phía nhà trường, đâu đó vẫn còn những trường hợp giáo viên có hành vi, đạo đức thiếu chuẩn mực. Ngoài ra, việc giáo viên thiếu kỹ năng trong trao đổi với phụ huynh, hình ảnh tiêu cực về giáo viên được phản ánh trên các phương tiện truyền thông... đã tạo nên sự “phòng vệ” giữa phụ huynh và giáo viên. Đây là những lý do căn cơ dẫn đến việc phụ huynh và nhà trường chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau.

 * Theo ông, làm thế nào để nhà trường và gia đình kết nối với nhau thường xuyên và chặt chẽ hơn?

- Những kết nối giữa nhà trường và gia đình của chúng ta còn mang nặng tính hình thức. Chúng ta vẫn có sổ liên lạc, mỗi năm nhà trường vẫn tổ chức 2-3 cuộc họp phụ huynh nhưng sự liên lạc, kết nối lại không thường xuyên. Hình thức thể hiện, thông tin chủ yếu mang tính hành chính cũng khiến cho phụ huynh thấy mình không có nhu cầu gặp giáo viên nữa. Ngoài ra, khi gặp gỡ phụ huynh, có những trường hợp giáo viên chỉ nêu lên các đánh giá tiêu cực về học sinh mà không có sự chia sẻ với phụ huynh. Đây cũng là một trở ngại trong việc tiếp cận giữa nhà trường và gia đình.

Trong xã hội công nghệ, nhà trường có rất nhiều cách để tương tác với phụ huynh mà không tốn tiền. Ví dụ, giáo viên có thể lập các nhóm trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber… Những ứng dụng này rất tiện lợi và hiện nay đa số người dân đều đã sử dụng.

Tuy nhiên, khi lập những nhóm này, giáo viên phải là người dẫn dắt, có vai trò truyền cảm hứng về giáo dục tích cực đến phụ huynh. Những thông tin đưa ra trong nhóm nên là những thông báo chung hay những nội dung, bài viết mang tính tích cực. Còn những vấn đề mang tính cá nhân thì phải được chia sẻ riêng tư. Điều này phải được giáo viên công khai, thống nhất ngay từ khi lập nhóm.

* Chú ý hơn vai trò giáo dục gia đình

* Ông có nhắc đến chức năng giáo dục của gia đình và cho rằng hiện nay không ít phụ huynh đang “nhường” hết vai trò giáo dục cho nhà trường. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

- Giáo dục nhà trường hiện nay không thể cung cấp hết được kiến thức cho học sinh, bởi vì càng ngày khối lượng tri thức của thời đại càng có tốc độ phát triển nhanh và nhà trường sẽ luôn luôn đi sau chứ không thể trang bị hết được những kiến thức này. Chính vì vậy, đa dạng các hình thức giáo dục và giáo dục suốt đời mới là chiến lược quan trọng. Trong đó, nền tảng để một đứa trẻ có kỹ năng học tập trước hết phải bắt đầu từ người mẹ, người cha chứ không phải từ người thầy.

Giáo dục con người không phải chỉ là giáo dục về tri thức mà là giáo dục một cách toàn diện, trong đó có giáo dục về nhân cách con người. Hiểu theo nghĩa rộng thì giáo dục phải giúp cho con người khám phá ra tiềm năng và bản ngã của mình. Nếu chỉ cung cấp và áp đặt về mặt tri thức thì không phải là mục tiêu cốt lõi của giáo dục. Nhưng hiện nay giáo dục trong nhà trường lại đang đi theo đà này.

Dựa trên những điều trên, tôi cho rằng phụ huynh cần phải cân nhắc lại về chiến lược giáo dục dành cho con. Đây là quyền tự quyết của phụ huynh. Nhận thức về vai trò giáo dục gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chiến lược này.

* Có thể nhiều phụ huynh quan tâm đến giáo dục gia đình nhưng họ chưa biết bắt đầu như thế nào. Ông có thể đưa ra một vài gợi ý cho phụ huynh?

- Có một thực tế ở Việt Nam chúng ta là còn nhiều bạn trẻ chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho việc xây dựng gia đình mới. Chính vì thế, các gia đình trẻ này thường thiếu nguồn lực, thời gian, tri thức dành cho việc giáo dục con.

Tuy nhiên, hiện nay nhờ có sự phát triển của công nghệ thông tin, internet mà phụ huynh rất thuận lợi trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin, tri thức. Đáng tiếc là những từ khóa liên quan đến giáo dục lại ít được tìm kiếm. Ở đây, tôi xin gợi ý một số từ khóa để phụ huynh có thể bắt đầu tìm hiểu và thực hành trong giáo dục trẻ, đó là: giáo dục sớm, giáo dục tích cực, kỷ luật tích cực, kỷ luật không nước mắt...

Tất nhiên, thông tin trên mạng rất hỗn độn. Vì vậy phụ huynh cũng cần phải biết sàng lọc để tiếp nhận những thông tin tốt và loại bỏ những thông tin sai lệch. Các bậc cha mẹ nên tìm kiếm và kết nối với các chuyên gia trong các lĩnh vực giáo dục để đọc những thông tin mà họ chia sẻ hoặc xin lời khuyên của họ.

Ngoài ra, phụ huynh có thể tham gia các diễn đàn để được gặp gỡ, chia sẻ với những phụ huynh tích cực. Thậm chí, phụ huynh cũng cần làm quen với việc thay đổi cách để nhận được những dịch vụ này, chẳng hạn như trả phí để tham gia các khóa học về giáo dục trẻ. Tuy nhiên, khi muốn tham gia, phụ huynh cũng nên có sự sàng lọc xem diễn đàn, diễn giả và tổ chức thực hiện các chương trình này có đảm bảo uy tín hay không.

* Ông muốn chia sẻ thêm điều gì với phụ huynh và giáo viên trong việc xây dựng niềm tin, sự kết nối với nhau trong giáo dục trẻ?

- Tất cả mọi thứ, quan trọng nhất là chúng ta có bắt đầu và sẵn lòng làm hay không, bởi vì trên thực tế, chúng ta có rất nhiều lý do để chối bỏ: lương thấp, áp lực cuộc sống, phải chăm lo cho gia đình… Tuy vậy, nếu có tâm huyết và thực sự mong muốn thực hiện những điều tốt đẹp cho thế hệ trẻ thì chúng ta sẽ có lý do để làm. Cũng như câu nói nổi tiếng của nhà văn Lỗ Tấn: “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

* Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, hầu hết các giáo viên khi mời phụ huynh đến trường đều tiếp phụ huynh ở phòng hội đồng, phòng nghỉ giữa giờ của giáo viên… Tôi cho rằng không gian này chưa thích hợp bởi vì thường có nhiều người ra vào, như thế, những câu chuyện mang tính riêng tư, cần bảo mật sẽ khó được bộc lộ. Phòng tiếp phụ huynh có thể nhỏ, nhưng phải lịch sự, trang nhã để phụ huynh cảm thấy được tôn trọng và thực sự hài lòng khi đến.

Ở cấp độ cao hơn, tôi cho rằng cấp quản lý (Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT, Ban giám hiệu nhà trường) cần có chính sách rõ ràng và thích đáng hơn trong việc kết nối giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Điều này phải trở thành nguyên tắc để giáo viên thực hành.

Hải Yến (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,402,809       3/931