Xã hội

Nguy hiểm đái tháo đường thai kỳ

Tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng ngày càng cao và trẻ hóa.

ThS-BS.Trần Đình Thùy, Khoa Sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tư vấn cho một thai phụ về cách kiểm soát tiểu đường thai kỳ
ThS-BS.Trần Đình Thùy, Khoa Sản (khối B) Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tư vấn cho một thai phụ về cách kiểm soát tiểu đường thai kỳ. Ảnh: K. Ngọc

Đáng chú ý, nhiều phụ nữ mắc bệnh trước khi mang thai nhưng không phát hiện bệnh dẫn đến tình trạng hôn mê, thai chết lưu…

* Khám sớm để được tư vấn

Thai phụ T.T.H. ngụ TP.Biên Hòa, phát hiện bị tiểu đường thai kỳ sau khi khám và xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. May mắn, tình trạng của chị H. mới ở giai đoạn đầu của bệnh nên chỉ cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ: ăn nhiều rau, hạn chế ăn cơm, đồ ngọt, thậm chí trái cây ngọt hay nước dừa, nước mía cũng nằm trong danh sách cần tránh.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cũng có nguy cơ bị bệnh tiểu đường sau khi sinh. Vì vậy, phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Trước khi mang thai và trong quá trình mang thai, phụ nữ phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phòng và kiểm soát bệnh.

ThS-BS.Trần Đình Thùy, Khoa Sản (khối B) Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay, tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường tăng trong máu, vượt ngưỡng quy định. Hiện nay, 100% sản phụ đến khám thai tại các bệnh viện đều được chỉ định xét nghiệm tiểu đường. Sản phụ mắc bệnh sẽ được tư vấn cụ thể cho từng trường hợp. Khi phát hiện bị tiểu đường thai kỳ, sản phụ không cần quá lo lắng, chỉ cần làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn, sinh hoạt, dùng thuốc (nếu có) và khám thai đều đặn.

Tuy nhiên, một số trường hợp sản phụ không tuân thủ theo phác đồ điều trị, hoặc không đi khám thai và chỉ phát hiện bị tiểu đường thai kỳ khi đi sinh. Hậu quả nghiêm trọng của những trường hợp này là tiền sản giật, sinh non hoặc sảy thai, nhiễm trùng đường tiểu. Khi đường huyết quá cao, sản phụ có thể bị nhiễm toan ceton (là tình trạng mất bù cấp tính nặng của bệnh đái tháo đường) dẫn đến hôn mê.

Cách đây vài tháng, bác sĩ Thùy đã tiếp nhận một sản phụ mang thai 38 tuần nhập viện trong tình trạng hôn mê. Khi xét nghiệm, các bác sĩ thấy rằng, lượng đường huyết của sản phụ vượt ngưỡng quá nhiều nên dẫn đến tình trạng hôn mê. Để cứu cả mẹ lẫn con, các bác sĩ đã quyết định mổ cấp cứu và điều trị tiểu đường cho sản phụ.

* Ảnh hưởng cả mẹ lẫn con

Theo bác sĩ Thùy, tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng lớn vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối, ít gây ảnh hưởng trong 3 tháng giữa thai kỳ. Nếu sản phụ bị tiểu đường ngay từ khi mang thai sẽ đối mặt với nguy cơ bé bị dị tật thai nhi và sảy thai, đa ối... Còn tiểu đường ở những tháng cuối của thai kỳ khiến thai nhi có trọng lượng quá lớn gây sang chấn khi sinh. Sau sinh, bé cũng yếu hơn các bé khác, vàng da, dễ suy hô hấp và vỡ hồng cầu.

Tỷ lệ phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ chưa thống nhất ở các địa phương, trong đó các trung tâm sản khoa lớn ở TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ này lên đến 20%, nhưng ở các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, tỷ lệ này chỉ khoảng 6% (tính theo số phụ nữ có đi khám thai tại các cơ sở y tế).

ThS-BS.Vũ Thị Thùy Phước, Khoa Sản Bệnh viện đại học y dược Shingmark cho biết, tiểu đường thai kỳ khiến sản phụ sinh con to dẫn đến tình trạng mổ lấy thai cũng tăng theo. Do bé quá lớn, nếu sản phụ sinh thường sẽ phải đối mặt với những nguy cơ: gãy xương, liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ… Nguy hiểm hơn, lượng đường tăng cao quá mức sẽ khiến cho sản phụ rơi vào hôn mê.

Đáng sợ nhất, nhiều thai phụ không tầm soát đái tháo đường thai kỳ khiến con bị mất tim thai ở những tháng cuối thai kỳ mà không rõ lý do. “Chúng tôi rất hay gặp những ca thai chết lưu khi sản phụ bị tiểu đường thai kỳ” - bác sĩ Phước nói.

Điển hình như trường hợp của chị H., ngụ huyện Long Thành, mang thai 32 tuần mới đến bệnh viện khám thai. Khi thấy chị H. có khả năng nằm trong nhóm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, các bác sĩ Khoa Sản Bệnh viện đại học y dược Shingmark đã tư vấn, khuyên bệnh nhân thực hiện xét nghiệm để tầm soát. Dù giải thích rất kỹ, nhưng chị H. nhất quyết từ chối làm xét nghiệm và tiếp tục lên tuyến trên khám. Các bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh) cũng đưa ra kết luận rằng, chị H. bị tiểu đường thai kỳ và cần theo dõi điều trị. Nhưng mãi 2 tuần sau kể từ ngày đi khám thai, sản phụ này mới quay lại Bệnh viện đại học y dược Shingmark để chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì tim thai đã ngừng đập, chết lưu.

Khánh Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,402,762       5/931