Sức khỏe

Lo vỡ quỹ, BHYT siết lại thuốc

Bệnh nhân ung thư nghèo sẽ mất cơ hội điều trị vì tới đây, quỹ BHYT sẽ không hoặc giảm chi trả nhiều loại thuốc đắt tiền do hiệu quả điều trị kém

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo thông tư mới có hiệu lực từ năm 2014. Theo đó, nhiều loại thuốc điều trị ung thư, xương khớp sẽ bị loại khỏi danh mục được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.

Vẫn thanh toán những loại thuốc cơ bản

Dự thảo dự kiến sẽ loại bỏ 106 hoạt chất và 139 thuốc. Như vậy, dự kiến danh mục thuốc được BHYT thanh toán còn khoảng hơn 830 hoạt chất và 1.000 loại thuốc.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế, cho biết dự thảo thông tư này cũng tăng số lượng thuốc có giới hạn chỉ định trong thanh toán từ 6 lên 39 nhằm tăng cường kiểm soát và hạn chế việc lạm dụng. “Đây là những thuốc có chi phí lớn, từ vài trăm, thậm chí cả tỉ đồng/đợt điều trị” - bà Hương nói.

Ngoài ra, gần 20 thuốc điều trị ung thư, xương khớp… đang được quỹ BHYT thanh toán 50%-100% sẽ giảm chỉ còn 50% hoặc ngừng chi trả. “Nhiều ý kiến lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân, nhất là người nghèo mắc bệnh ung thư, song thực tế không phải như vậy. Với những thuốc thông thường, thuốc cơ bản, quỹ BHYT vẫn bảo đảm thanh toán 100%” - bà Hương khẳng định.

BHYT ngừng chi trả nhiều loại loại đắt tiền sẽ tác động lớn đến bệnh nhân nghèo
BHYT ngừng chi trả nhiều loại loại đắt tiền sẽ tác động lớn đến bệnh nhân nghèo

Theo bà Hương, danh mục hiện hành có 13 thuốc được thanh toán 100% nhưng do chi phí quá lớn cũng bị đề nghị giảm xuống còn 50%, như: Erlotinib, điều trị ung thư phổi, chi phí hơn 40 triệu đồng/tháng; Sorafenib, điều trị ung thư tế bào, chi phí 118 triệu đồng/tháng…

Chi hàng trăm triệu nhưng vẫn qua đời

Bà Phạm Thị Khang (ngụ Thái Nguyên), có người thân đang điều trị ung thư tại Bệnh viện K Trung ương, cho biết dù viện phí đã được BHYT chi trả 80% nhưng mỗi lần xạ trị, gia đình phải tốn thêm vài chục triệu đồng chi phí ăn ở, đi lại và bồi dưỡng cho người bệnh. “Gia đình tôi đang khá giả giờ sắp thành hộ nghèo. Nếu nay phải chịu thêm 50% tiền thuốc với mức vài chục triệu đồng thì gia đình không biết xoay xở ở đâu” - bà Khang than thở.

Một bác sĩ Bệnh viện K cho biết với bệnh ung thư, chi phí cho phẫu thuật và thuốc điều trị có thể chỉ 10-15 triệu đồng nhưng chi trả cho hóa chất và thuốc hỗ trợ điều trị thì “vô cùng” vì phải tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân. “Giới hạn việc chi trả đối với các thuốc hỗ trợ sẽ khiến bệnh nhân nghèo mất cơ hội được chữa trị” - bác sĩ này băn khoăn.

Ông Vũ Xuân Hiển, Trưởng Ban Dược - Vật tư y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), cho biết thời gian qua, có những thuốc mà Quỹ BHYT phải thanh toán hàng trăm triệu đồng/đợt điều trị nhưng hiệu quả không cao, bệnh nhân chỉ kéo dài sự sống thêm 1-2 tháng. Nếu tiếp tục kéo dài việc điều trị sẽ ảnh hướng rất lớn đến quỹ BHYT.

Theo đại diện cơ quan bảo hiểm, sau nhiều năm liên tục bội chi, từ cuối năm 2010, Quỹ BHYT đã kết dư nhưng nguồn này không bền vững. Bởi giá dịch vụ y tế tăng nhưng giữ nguyên mức đóng nên quỹ BHYT phải chi thêm ít nhất 25% so với khi chưa tăng giá. “Nếu tiếp tục chi một khoản tiền khổng lồ nhưng không mang lại hiệu quả điều trị lớn thì quỹ lại bị vỡ” - vị này dự báo.

Xem xét thanh toán thuốc điều trị viêm gan

Việc BHXH Việt Nam cắt thanh toán BHYT với bệnh nhân đang điều trị bệnh viêm gan siêu vi khiến họ lâm vào cảnh khó khăn, Bộ Y tế cho biết tới đây sẽ thành lập hội đồng riêng để xem xét việc chi trả. Trước đó, BHXH đã có hướng dẫn thuốc Interferon và Peginterferon chỉ được Quỹ BHYT thanh toán khi điều trị viêm gan C theo đúng phác đồ. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành phác đồ điều trị viêm gan C bằng 2 loại thuốc trên nên cơ quan BHXH chưa có cơ sở để thanh toán. Theo tính toán, chi phí cho một đợt điều trị 2 loại thuốc này ít nhất là 100 triệu đồng.

Người lao động

© 2021 FAP
  18,970,166       56/909