Xã hội

Cảnh giác với 'chiêu trò' giảm giá dịp Tết

Vào dịp Tết, các cửa hàng hay trên nhiều trang thương mại điện tử đồng loạt đăng quảng cáo "xả kho", "xả hàng", giảm giá từ 50-70%. Bên cạnh những cửa hàng kinh doanh chân chính thì cũng có không ít cửa hàng lợi dụng thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao để "tung" ra những chiêu "lừa" người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng không cẩn trọng rất dễ rơi vào tình cảnh tưởng mua rẻ nhưng lại… hóa đắt.

Vào dịp Tết, các cửa hàng hay trên nhiều trang thương mại điện tử đồng loạt đăng quảng cáo “xả kho”, “xả hàng”, giảm giá từ 50-70%. Bên cạnh những cửa hàng kinh doanh chân chính thì cũng có không ít cửa hàng lợi dụng thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao để “tung” ra những chiêu “lừa” người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng không cẩn trọng rất dễ rơi vào tình cảnh tưởng mua rẻ nhưng lại… hóa đắt.

Cuối năm, nhiều sàn thương mại điện tử giảm giá mạnh. Người dân cần thận trọng khi mua hàng qua mạng. Trong ảnh: Một người tiêu dùng ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) xem hàng giảm giá trên một trang mạng xã hội. Ảnh: P.Liễu
Cuối năm, nhiều sàn thương mại điện tử giảm giá mạnh. Người dân cần thận trọng khi mua hàng qua mạng. Trong ảnh: Một người tiêu dùng ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) xem hàng giảm giá trên một trang mạng xã hội. Ảnh: P.Liễu

* Giảm giá, nhưng giá... không hề giảm

Ông Phạm Đức Vinh (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho biết, ông vừa bị lừa mua hàng qua mạng bởi một thủ đoạn khá tinh vi. Năm trước, ông mua một máy lọc nước uống nhập từ Hàn Quốc với giá 17 triệu đồng. Mới đây, thấy trên một trang thương mại điện tử khá nổi tiếng đăng thông tin giảm giá đến 70% các loại máy lọc nước, trong đó có chiếc máy lọc nước cùng nhãn hiệu ông từng mua chỉ còn 7 triệu đồng nên ông đã đặt mua tặng cho con gái vừa lập gia đình ra ở riêng.

Tuy nhiên, khi hàng được giao đến nhà, ông không được coi trước sản phẩm vì chủ hàng dán mác “không cho mở hàng trước khi thanh toán”. Sau khi giao tiền đầy đủ, ông mới mở ra xem thì chưng hửng vì đây là sản phẩm nhái có xuất xứ từ… Trung Quốc. Khi khiếu nại đến trang thương mại điện tử này, ông được cho biết, đơn hàng của ông đã được hủy 2 ngày sau khi đặt hàng. Nói qua nói lại từ e-mail đến gọi điện, sau 2 tuần giằng co, ông đành chấp nhận coi như bị lừa vì không nơi nào nhận trách nhiệm đổi hàng hay cho ông trả hàng, sau đó ông cũng không còn liên lạc được với chủ hàng.

Tìm hiểu thêm, ông Vinh mới biết chiếc máy lọc nước này chỉ có giá chưa tới 3 triệu đồng. Không yên tâm chất lượng nước lọc này, nên gia đình ông không dám uống mà chỉ dùng để nấu nướng, rửa rau.

Cuối năm cũng là mùa giảm giá các loại giày dép, quần áo, mỹ phẩm diễn ra nhộn nhịp nhất. Tuy nhiên, cũng có không ít cửa hàng dùng chiêu nâng giá sản phẩm lên cao, rồi quảng cáo giảm đến 70% để thu hút khách đến mua hàng. Nhưng thực chất mức giá giảm này cũng chính là giá bán chính thức của sản phẩm.

Nghe bạn bè “kháo nhau” shop thời trang hàng hiệu M. trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) đang giảm giá đến 70%, có những sản phẩm đồng giá chỉ 149 ngàn đồng nên chị Trần Phương Thảo (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) đã ghé chọn mua đồ mặc Tết. Nhìn qua một lượt, chị Thảo thấy có những chiếc đầm để giá gốc tới 2,1 triệu đồng, giảm 70% còn khoảng 600 ngàn đồng. Tâm lý Tết này sẽ được mặc một chiếc đầm hàng đẹp giá rẻ khiến chị quyết định… chơi lớn, mua hẳn 3 chiếc đầm với tổng tiền 1,9 triệu đồng.

Hôm sau khoe với một người bạn, chị Thảo mới vỡ lẽ giá thực của mấy chiếc đầm này cũng chỉ từ 600-800 ngàn đồng, vì cô bạn chị đã từng mua chiếc đầm tương tự ở shop này lúc chưa giảm, giá cũng tương đương như giá chiếc đầm đã giảm mà chị Thảo mới mua, thực tế không có giá tới hơn 2 triệu đồng như niêm yết trên mác. Quay lại phản ảnh với shop này, chị Thảo được giải thích, hàng này chưa bao giờ có giá dưới 2 triệu đồng, nếu có chăng chỉ là cùng màu, cùng kiểu nhưng chất liệu vải khác nhau. Chị Thảo tự an ủi mình, coi như mua hàng không giảm giá.

* Tỉnh táo khi mua hàng giảm giá cuối năm

Về thực trạng này, ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết, năm 2020, Hội đã tiếp nhận một số đơn thư khiếu nại về tình trạng tranh chấp thương mại khi mua hàng giảm giá, đặc biệt là mua qua các sàn thương mại điện tử, nhưng hầu như không có vụ việc nào được giải quyết bởi nhiều lý do.

Theo ông Hải, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử có quy định sau từ 1-3 ngày từ lúc người mua hàng đặt lệnh mua, nếu chủ cửa hàng không xác nhận có hàng và thông báo chuẩn bị đơn hàng, thì đơn hàng đó sẽ tự động bị hủy. Đây là lúc mà kẻ gian có thể lợi dụng để lừa người mua khi nắm được thông tin người mua (tên, địa chỉ, số điện thoại, sản phẩm cần mua…), các đối tượng này sẽ lấy hàng trôi nổi để giao cho khách. Lúc này, người mua dù có nhận được hàng không đúng chất lượng đặt mua thì cũng không thể “kiện” sàn thương mại điện tử đó được.

Do đó, kinh nghiệm từ việc giải quyết các vụ tranh chấp thương mại, ông Hải khuyến cáo, trong trường hợp người mua hàng sau khi đặt hàng thành công, nên theo dõi đơn hàng của mình (được sàn giao dịch thông báo qua mail). Nếu thấy đơn hàng đã bị hủy mà hàng vẫn được giao đến thì không nên nhận, vì phần lớn sẽ nhận được hàng không đúng chất lượng như đã đặt. Tốt nhất nên đến các tiệm, cửa hàng có địa chỉ, xem hàng trực tiếp, ưng ý thì mua để không bị lừa.

Theo kinh nghiệm của những “tín đồ” săn hàng giảm giá, thường với những thương hiệu lớn, trong năm bao giờ cũng có những đợt khuyến mãi, giảm giá lớn như: sinh nhật thương hiệu, dịp Black Friday hay chính sách khuyến mãi của công ty… Lúc đó một số mặt hàng đang bán với giá cố định, được “down” giá để tri ân khách hàng. Sau đợt khuyến mãi này, loại hàng đó bán trở lại giá cũ, chất lượng hàng bán thường và hàng bán trong dịp giảm giá đều như nhau.

Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (ngụ TP.Biên Hòa), một người có kinh nghiệm “săn” hàng giảm giá chia sẻ: “Cuối năm nhiều sàn thương mại điện tử, cửa hàng, cửa hiệu giảm giá lớn nhưng rất hay có sự nhập nhằng về chất lượng. Không ít chủ cửa hàng nhân cơ hội này tráo đổi hàng, đưa hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vào để bán dưới chiêu… giảm giá sâu. Như vậy không đúng với tinh thần giảm giá. Nếu không nói là hành vi lừa đảo người tiêu dùng nên người mua cần tỉnh táo, lựa chọn mua hàng ở siêu thị, những cửa hàng quen hoặc shop có thương hiệu, trang thương mại điện tử uy tín để mua những mặt hàng đúng với chất lượng, tránh mua hớ, mua nhầm hàng giả”.

Phương Liễu

Đồng Nai

© 2021 FAP
  578,262       1/1,026