Kinh tế

Không ngừng nâng cao thu nhập của nông dân

Từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, Đồng Nai luôn lấy tiêu chí không ngừng nâng cao đời sống của người dân nông thôn làm thước đo. Nội dung này được thể hiện rõ nhất khi thu nhập của nông dân Đồng Nai không ngừng được tăng lên.

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đang tiêu thụ tốt nhiều mặt hàng nông sản của Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đang tiêu thụ tốt nhiều mặt hàng nông sản của Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Đây cũng là mục tiêu phấn đấu của tỉnh trong xây dựng NTM thời gian tới khi tiêu chí tăng thu nhập của nông dân được đặt ở mức cao qua các giai đoạn.

* Tăng ở mức cao

Năm 2019, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại rất lớn cho toàn ngành. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn nỗ lực vượt khó, duy trì được đà tăng trưởng khá với ước tính tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2%. Riêng ngành nông nghiệp Đồng Nai dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh năm 2019 đạt gần 41,8 ngàn tỷ đồng, tăng 2,85% so với cùng kỳ, đạt mức tăng trưởng cao hơn hẳn so với mức bình quân của cả nước.

Là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2019, Đồng Nai cũng đứng ở mức cao so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước về mức tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như thu nhập của nông dân. Cụ thể, năm 2018, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 hécta đất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đạt 228,8 triệu đồng/hécta, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010. Ước năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt khoảng 56,6 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2011.

Theo ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Phó chánh Văn phòng điều phối chương trình NTM tỉnh: “Trong xây dựng NTM, Đồng Nai được đánh giá cao về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đạt được kết quả trên là do tỉnh luôn đặt mục tiêu phấn đấu cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn với chuẩn của các tiêu chí đều ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước”. Cụ thể, mục tiêu của tỉnh về nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn lên mức 59,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2020 và tiếp tục tăng lên 77 triệu đồng/người vào năm 2025.

Có được kết quả trên là nhờ Đồng Nai đã tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực theo quy mô hàng hóa lớn. Cụ thể, toàn tỉnh có gần 160 ngàn hécta các vùng sản xuất cánh đồng lớn với 19 loại cây trồng. Tỉnh không chỉ là thủ phủ chăn nuôi của cả nước mà còn đi đầu trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu. Cụ thể, từ nhiều năm nay, con gà của Đồng Nai đã xuất khẩu tốt vào thị trường khó tính Nhật Bản.

* Hỗ trợ nông dân làm giàu

Đồng Nai cũng luôn xác định nông dân chính là chủ thể trong đầu tư xây dựng NTM, nhất là trong phát triển sản xuất, làm giàu cho bản thân và góp phần vào sự phồn vinh cho những vùng quê. Ở đây phát triển nông nghiệp bền vững được cho là lời giải căn cơ cho bài toán trên. Theo đó, ngoài việc đầu tư đồng bộ phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn, tỉnh rất quan tâm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất bằng nhiều chính sách khuyến khích.

Ông Nguyễn Văn Bích (xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) vinh dự đại diện cho nông dân Đồng Nai được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Với 4 hécta sầu riêng và 1,5 hécta bưởi, chôm chôm luôn đạt năng suất cao nhờ ứng dụng tốt kiến thức khoa học kỹ thuật, ông Bích là nông dân sản xuất giỏi có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM ở địa phương. Ông Bích chia sẻ: “Xuân Bảo là xã thuần nông nên những đổi thay nơi vùng quê nghèo này đều gắn với chương trình tích cực chuyển đổi cây trồng, thi đua làm giàu của nông dân trong xây dựng NTM”.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong năm 2020 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng đang đứng trước 3 thách thức lớn là: cạnh tranh quyết liệt trong thương mại toàn cầu, trong đó xu hướng chiến tranh thương mại có nhiều phức tạp kể cả với sản phẩm nông nghiệp; tình hình dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp phải mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục tiêu cao hơn và các bộ, ngành liên phải quan tâm hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển bền vững, hội nhập tốt.

Trên tinh thần trên, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đồng Nai cũng tập trung hỗ trợ nông dân chủ động hơn trong nắm bắt thông tin thị trường, chủ động về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, tỉnh đang tập trung hỗ trợ cho hợp tác xã, người nông dân, cho các chuỗi cung ứng trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu nông sản với chương trình Mỗi xã một sản phẩm... Đặc biệt, việc bảo vệ thị trường nội địa, bảo vệ cho các ngành sản xuất trong nước bằng các công cụ pháp lý mà đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật cũng được đặt ra.

Lê Quyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  368,048       1/1,132