Sống khỏe

Bản quyền truyền hình World Cup: Xin đừng gọi là phục vụ

TTO - Theo các kênh thông tin chính thống của VTV, cho đến giờ này, vẫn chưa có bản quyền truyền hình World Cup 2018 dù ngày khai mạc sự kiện này chỉ còn hơn hai tuần.

Bản quyền truyền hình World Cup: Xin đừng gọi là phục vụ - Ảnh 1.

Nhưng, đồn đoán hậu trường cho biết nhà đài này đã có bản quyền từ cách đây một tuần!

Cứ cho đồn đoán trên là chính xác, thì việc có được bản quyền như thế cũng đã quá trễ. Và cái sự trễ nãi này - theo giải thích của VTV là nhằm ép giá, bởi đối tác Infront Sports & Media - đơn vị nắm bản quyền, không bán cho VTV thì chẳng bán được cho ai "trên toàn cõi" Việt Nam.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình bảo với tôi rằng: Đàm phán để không bị thổi giá là điều cần thiết, nhằm làm sao mua được món hàng với giá càng hời càng tốt. Nhưng mang quan điểm "nó không bán cho mình thì chẳng bán được cho ai. Để đến chợ chiều không bán cho mình thì cá nó ươn mất" là một quan điểm không hiện đại cho lắm trên thương trường.

Nên nhớ, trong làm ăn, người ta sẵn sàng đổ bỏ một món hàng chứ không bao giờ chấp nhận bán dưới giá trị thật. Vì nếu bán như thế, tương lai sẽ làm ăn làm sao với các thị trường khác?

Nhìn lại câu chuyện bản quyền truyền hình World Cup 2018, FIFA đã bán xong từ cách đây… 4 năm với giá gần 2 tỷ USD! Có nghĩa rằng, người ta làm ăn nhìn xa trông rộng, có đến mấy năm trời để toan tính chuyện khai thác.

Trong khi đó, chúng ta chỉ có ba tuần thì làm sao?

Được biết, bộ phận khai thác quảng cáo cho World Cup 2018 của VTV đang vắt giò lên cổ mà chạy, và có người đã than thở với chúng tôi rằng: Muộn quá, khó bán quá! Đơn giản bởi, các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo trong kỳ World Cup này, họ cũng cần có thời gian để tính toán ngân sách chứ không phải đùng một cái là móc tiền trong hầu bao mà chi.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình đã làm một bài tính rợ cho tôi xem: Lấy bản giá quảng cáo trên VTV cách đây 4 năm mà tính thì cũng thấy con số chục triệu USD chả là gì cả. 

Cụ thể, trong đợt World cup 2014, giá quảng cáo một spot (30 giây) ở giữa trận là 150 triệu đồng (khung giờ 2-8g), 180 triệu đồng ở khung giờ 23g. Vào vòng loại trực tiếp, giá quảng cáo vọt lên đến 200-250 triệu đồng một spot. Đến tứ kết, bán kết và chung kết thì đến 250-300 triệu đồng/spot.

Với giá này, khai thác đủ 64 trận với bình quân mỗi trận 10 phút ở giữa trận đấu, VTV thu về khoảng 20 triệu USD!

Vậy thì năm nay, cho dù mua hơn chục triệu USD (nếu mua sớm), VTV cũng thừa sức kiếm lãi nếu khai thác giỏi.

Tóm lại, đây là một phi vụ kiếm tiền béo bở của VTV, nên thật sự khó chịu khi họ cứ xài cái cụm từ "phục vụ người hâm mộ".

Xin hãy xem đây là một thị trường. Nếu ai không muốn bị quảng cáo tra tấn, xin bỏ tiền thuê bao các kênh truyền hình trả tiền; còn ai không có tiền, muốn xem miễn phí thì phải chịu hai con mắt và hai lỗ tai bị tra tấn bởi quảng cáo. 

Người hâm mộ chả xin cái gì, và VTV cũng chả cho không người hâm mộ cái gì. Tất cả là mối quan hệ mua - bán (ngay cả xem miễn phí cũng là người mua, chỉ khác cái là mua trả tiền mà trả bằng công xem quảng cáo kèm theo) sao cho tất cả đều có lợi.

Tất cả đều nghĩ như thế thì đến mỗi kỳ World Cup, VTV sẽ chủ động hơn, và người hâm mộ chúng ta không bị mang tiếng là được nhà đài nhón tay làm phúc phục vụ!

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,417,687       10/1,635