Sống khỏe

Lãnh đạo Ninh Bình nói gì về dự án Sào Khê đội vốn 36 lần?

TTO - "Ban đầu tỉnh chưa nhìn ra những tiềm năng du lịch của dự án mà chỉ xem xét ở khía cạnh nông nghiệp", bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh nói như vậy với Tuổi Trẻ.

Lãnh đạo Ninh Bình nói gì về dự án Sào Khê đội vốn 36 lần? - Ảnh 1.

Một khúc sông Sào Khê (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) nằm trong dự án nạo vét, bảo tồn cảnh quan bị đội vốn - Ảnh: NAM TRẦN

Sau khi câu chuyện dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn từ 72 tỉ đồng lên tới gần 2.600 tỉ đồng trở thành đề tài tranh luận gay gắt tại diễn đàn Quốc hội ngày 28-5, Tuổi Trẻ đã tìm gặp lãnh đạo tỉnh Ninh Bình để nghe ý kiến người trong cuộc.

"Dự án được đồng thuận"

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh cho biết dự án Sào Khê được đồng thuận từ trung ương.

"Ban đầu tỉnh chưa nhìn ra những tiềm năng du lịch của dự án mà chỉ xem xét ở khía cạnh nông nghiệp. Trong quá trình làm thì các nhà đầu tư, rồi các lãnh đạo từ trung ương đến địa phương cũng nhận thấy trách nhiệm đối với một vùng đất cố đô. Cho nên đồng thuận cho Ninh Bình mở rộng, điều chỉnh dự án", bà Thanh giải thích thêm.

"Dự án được Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ xem xét từ những năm 2012-2013 rồi. Nếu nhìn vào hiệu quả, chúng ta có thể thấy rất rõ là có được một Ninh Bình như ngày hôm nay là do dự án Sào Khê góp phần rất lớn", bà Thanh nhấn mạnh.

Còn ông Bùi Văn Phương - phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Ninh Bình - thì nhắc lại các thông tin đã đưa ra trong cuộc tranh luận với các đại biểu Nguyễn Anh Trí, Trương Trọng Nghĩa:

"Dự án Sào Khê được bắt đầu từ năm 2001, mục tiêu ban đầu là nạo vét để phục vụ nông nghiệp. Nhưng trong quá trình làm, các cơ quan chức năng tại Ninh Bình nhận thấy dòng sông Sào Khê chảy qua khu vực cố đô Hoa Lư, bến sông Sào Khê ngày xưa là nơi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô Hoa Lư ra Thăng Long, việc triển khai dự án lại diễn ra dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên tỉnh chuyển mục tiêu đầu tư".

Ông Phương cho rằng sông Sào Khê chảy qua lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình. Đây là vùng trọng điểm du lịch, nên dự án được điều chỉnh theo hướng vừa phục vụ nông nghiệp, vừa tôn tạo cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng để Tràng An được công nhận di sản thế giới và phục vụ giao thông thủy, du lịch.

Về khoản chi phí điều chỉnh từ 72 tỉ đồng ở mức ban đầu lên con số gần 2.600 tỉ đồng, ông Phương lý giải là có rất nhiều khoản được tỉnh cho xã hội hóa. Doanh nghiệp tham gia đóng góp vào dự án sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về sau của tỉnh. Hiệu quả của dự án Sào Khê là tạo ra cảnh quan của Tràng An thu hút nhiều du khách thập phương.

Ông Phương còn nói nhìn con số khi điều chỉnh đúng là thay đổi rất lớn, nhưng không có phát sinh tiêu cực mà bản chất của việc đội vốn là do thay đổi mục tiêu, từ đơn mục tiêu qua đa mục tiêu, phạm vi lớn hơn.

"Chúng ta nên lập luận theo hướng là thay đổi vốn nhưng hiệu quả đem lại cũng lớn hơn", ông Phương nhấn mạnh. Ông Phương cho biết ông "chưa để ý" đến việc thanh tra, kiểm toán có phát hiện sai phạm trong việc quản lý điều hành.

Dự án nạo vét sông Sào Khê - Video: NAM TRẦN

17 năm vẫn ngổn ngang

Sau 4 lần phê duyệt, điều chỉnh, dự án nạo vét, xây kè và bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê đã đội vốn 36 lần từ 72 tỉ đồng lên tới 2.595 tỉ đồng. Nhưng trên thực tế, qua 17 năm triển khai, dự án vẫn còn ngổn ngang, chưa biết đến khi nào hoàn thành...

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện dự án còn nhiều hạng mục chưa thể thực hiện, có nhiều đoạn sông chưa được nạo vét và làm tường kè, 7 tuyến đường phòng hộ và 4 cầu chưa xây, cống tiêu còn 24/36 cái chưa thực hiện…

Theo ghi nhận, cho tới hiện nay tại dự án chỉ có vài xe máy xúc, xe tải thi công lèo tèo, nhiều công trình bị bỏ dở, nhiều nơi nhánh sông bị chia cắt, hai bên bờ vẫn chưa được kè, đường phòng hộ thì gạch đá, đất, cỏ mọc um tùm...

Người dân xã Trường Yên - nơi sông Sào Khê chảy qua - cho biết: "Mấy ngày qua, khi có thông tin trên báo chí thì thấy một vài xe về đây nạo vét, chở đất. Gần 20 năm, cầu làm xong bỏ hoang, không có đường lên, bờ sông ngổn ngang cỏ dại".

Lãnh đạo Ninh Bình nói gì về dự án Sào Khê đội vốn 36 lần? - Ảnh 3.

Cây cầu nằm trong hạng mục dự án nạo vét cảnh quan sông Sào Khê bị bỏ dỡ - Ảnh: NAM TRẦN

4 lần đội vốn

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy ngày 28-6-2001, UBND tỉnh Ninh Bình có quyết định phê duyệt dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê (gọi tắt là dự án Sào Khê) với tổng mức đầu tư ban đầu là 72 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Ngày 23-5-2003, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt lại dự án (lần thứ nhất), nâng mức đầu tư lên 189 tỉ đồng. Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án thủy lợi Ninh Bình (hiện là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp - phát triển nông thôn), doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường trúng thầu xây lắp.

Ngày 22-4-2005, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt lại dự án (lần thứ hai), điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 399,695 tỉ đồng, do nguồn vốn từ trung ương hỗ trợ, thời gian thực hiện từ năm 2005-2007. Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường được cho phép tiếp tục thực hiện các hạng mục bổ sung công trình của dự án.

Đến ngày 2-12-2009, UBND tỉnh Ninh Bình lại ban hành quyết định phê duyệt dự án Sào Khê với tổng mức đầu tư 2.595 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Công ty tư vấn Đại học Xây dựng Hà Nội tư vấn lập dự án.

Trong đó, chi phí xây dựng là 1.566 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng 526 tỉ đồng, chi phí dự phòng 432 tỉ đồng, chi phí khác 70 tỉ đồng... Dự án với 4 hạng mục lớn gồm phần thủy lợi, công trình cầu, công trình kiến trúc văn hóa và đường giao thông.

Lãnh đạo Ninh Bình nói gì về dự án Sào Khê đội vốn 36 lần? - Ảnh 4.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ưu ái nhà thầu

Theo kết luận của TTCP, UBND tỉnh Ninh Bình không có báo cáo kết quả thẩm định dự án Sào Khê khi ban hành quyết định phê duyệt và phê duyệt lại dự án. Khi điều chỉnh thay đổi tổng mức đầu tư, chủ đầu tư không báo cáo người ra quyết định đầu tư và không có kết quả thẩm định lại các nội dung thay đổi của dự án.

Điều này là chưa phù hợp với nghị định về điều chỉnh dự án đầu tư, trái với nghị định về điều chỉnh tổng mức đầu tư.

TTCP cho rằng năng lực của tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán còn nhiều hạn chế dẫn tới sai sót về dự toán, khối lượng. Nhiều hạng mục tăng dự toán do áp dụng sai đơn giá, sai lỗi số học, sai khối lượng giữa bản vẽ thi công.

Kết luận còn chỉ rõ UBND tỉnh Ninh Bình có quyết định chỉ định thầu chưa đúng, không tuân thủ quy định đối với các gói thầu tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát, tư vấn bảo hiểm công trình.

Về gói thầu xây lắp, UBND tỉnh Ninh Bình đồng ý cho doanh nghiệp Xuân Trường tiếp tục thực hiện khối lượng điều chỉnh bổ sung phần xây lắp dự án (1.566 tỉ đồng) mà không có hồ sơ đề xuất của nhà thầu, không có báo cáo thẩm tra và phê duyệt để chứng minh khả năng đáp ứng được thi công dự án.

Từ năm 2004-2009, chủ đầu tư tạm ứng cho doanh nghiệp Xuân Trường 6 lần với tổng số tiền 683,7 tỉ đồng. Đến tháng 6-2010, chủ đầu tư tiếp tục cho doanh nghiệp Xuân Trường tạm ứng thêm 508 tỉ đồng khi chủ đầu tư chưa căn cứ vào kế hoạch, tiến độ thi công, không thẩm tra mục đích tạm ứng và giám sát việc sử dụng vốn tạm ứng theo quy định. Đến thời điểm thanh tra, số dư tạm ứng còn 400,7 tỉ đồng.

Trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án, hội đồng giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư chưa thực hiện đúng theo nghị định về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Viện cớ tốn tiền vì là Viện cớ tốn tiền vì là 'nơi vua ở' vậy có thương hàng triệu dân nghèo?

TTO - Dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) đội vốn từ 72 tỉ lên 2.600 tỉ đồng, bị đại biểu Nguyễn Anh Trí gọi là "bột nở", khơi mào cho một cuộc tranh luận tại Quốc hội chiều nay 28-5.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,272,598       1/907