Khi con đã lớn

Vòng hạnh phúc giản đơn của mẹ

PNO - Nhà có 4 chị em, chị cả lớn hơn em út đúng hai mươi tuổi. Chính vì thế mà cho đến bây giờ, khi đã ngấp nghé năm mươi, mẹ vẫn còn loay hoay chăm lo việc ăn uống và học hành của thằng út...

Lập gia đình và sinh chị gái lớn ở tuổi hai mươi, năm năm sau mẹ có thêm “tập 2” là tôi và 6 năm sau thì thằng em trai kế ra đời. Ai cũng tưởng nó là út. Nhưng thật bất ngờ, sau gần một thập kỉ, nhà lại có thêm tiếng khóc eo eo của thằng đích thực là út. Hai bên nội ngoại, bà con họ hàng cùng bạn bè đều nói sao mẹ đẻ cách xa dữ vậy thì mẹ chỉ ậm ừ nói rằng cứ lâu lâu là mẹ lại “thèm em bé”, thèm được chăm bẵm, nựng nịu, bận bịu với con thơ. Một phần là như vậy, nhưng khi thủ thỉ với con gái, mẹ phân trần sở dĩ có “khoảng nghỉ” hơi xa như thế là vì mẹ để khi nào tài chính dư dư.


 

Kết quả của việc “lâu lâu” và “dư dư” ấy là suốt từ lúc lập gia đình cho đến khi tóc điểm vài cọng màu muối, chu kỳ cứ khoảng 5 – 10 năm, mẹ lại mang nặng – đẻ đau. Rồi tất bật với với việc chăm từ cữ bú ngày đêm, ầu ơ hát ru, dìu từng bước con tập đi, mớm từng từ khi con tập nói. Rồi khi lớn lên chút, mẹ đưa đến trường mỗi sáng, tối lại ngồi cùng con bên chiếc bàn nho nhỏ để tập viết chữ “I cột” rồi thì vẽ vời, tô màu…

Mỗi đứa chúng tôi ra đời và lớn lên là một “tập” riêng biệt. Tuổi thơ của đứa này không có những ngày tháng vui đùa cùng đứa kia. Mẹ vẫn thường nói đẻ cách có cái dở nhất là chị em không chơi cùng nhau. Nhìn nhà bác Kiệm hàng xóm thì thấy, nhà cũng có 4 anh em, mỗi đứa cách nhau đúng hai năm, nhìn tụi nó chơi cùng nhau như bạn mà đứa lớn biết nhường đứa bé thật thích. Còn chúng tôi thì vẫn liệt kê ra hàng tá nhưng điểm không thích khi mẹ đẻ quá thưa. Nào là chị em cách nhau xa quá, không dùng lại bộ sách giáo khoa cũ; nào là kiến thức qua khá lâu cộng với cải cách nên việc đứa lớn kèm cho đứa nhỏ học cũng không dễ tí nào; rồi thì mấy chị em chẳng khi nào học cùng trường với nhau để cùng đèo nhau đi học; chị cả nói chở thằng út đi chơi người ta tưởng hai mẹ con, thằng út nói chẳng được anh chị “bảo kê” khi lỡ trên trường có đứa bắt nạt…Bốn chị em tuy cách xa, tâm lý lứa tuổi khác nhau, nhưng nói chung thì vẫn rất yêu thương nhau. Tính ra chỉ có mẹ là vất vả nhất, đến giờ chưa hết gánh nặng với con cái.

Có hôm gọi điện thoại về nhà, thấy giọng mẹ buồn. Hỏi ra mới biết mẹ mới đi họp phụ huynh cho thằng út về, kết quả thi hết học kỳ của cu cậu không được tốt. Cô chủ nhiệm có dặn phụ huynh nên dành thêm thời gian để nhắc nhở, kiểm tra bài vở và cùng em học. Thế là mỗi tối thay vì xem tivi thư giãn sau một ngày buôn bán vất vả, mẹ lại ngồi cùng thằng út, giúp nó giải toán, làm văn, học bài các môn thuộc lòng sử, địa, khoa học tự nhiên, công dân…Có bữa về thăm nhà lại thấy mẹ tất bật giúp út tập thêu thùa, cắt dán, lắp ráp kỹ thuật…Chạnh nghĩ ở tuổi của mẹ, người ta có cực thì cũng chỉ là chăm cháu. Còn mẹ, giờ vẫn phải loay hoay chuyện học hành của con cái. Thế nên mỗi khi rủ mẹ lên thành phố đi chơi, mua sắm, mẹ lại nói không đi vì bận cơm nước, chở thằng thằng út đi học, đi thi hay đi sinh hoạt ngoại khóa gì đó. Mẹ chẳng có nhiều thời gian dành bản thân như mấy cô bạn của mẹ, có đi đâu cũng phải chọn lúc thằng em không có nhà và đi mau mau chóng chóng còn kịp đón đưa.


 

Thế mà không thấy mẹ có vẻ mệt. Mẹ còn nói nhờ có thằng út mà nhà bớt cô quạnh khi chị em chúng tôi – từng đứa lớn lên, xa nhà để lên thành phố học tập, làm việc và sinh sống. Mẹ cũng nói giờ nhà bác Kiệm rất buồn, chị em nhà nó lớn lên và cùng nhau đi hết, giờ chỉ còn hai bác lủi thủi ra vào.

Nhờ có thằng út ở nhà nên mỗi bữa cơm lại rộn tiếng cười đùa từ những câu chuyện trường lớp, bạn bè mà nó kể. Có nó mà ba mẹ cảm thấy bớt buồn. Mẹ hay thật. Vậy là từ trước tới giờ tôi nghĩ thằng út là “tội đồ” hóa ra oan cho nó quá. 


MIÊN THẢO

www.phunuonline.com.vn

tội đồ, ba mẹ, thành phố, phụ huynh


© 2021 FAP
  874,284       1/1,163