PNCN - Con trai tôi gần ba tuổi, thể chất và trí tuệ phát triển rất tốt. Tuy vậy, vợ chồng tôi lại lo lắng vì gần đây cháu có vẻ hung dữ, thô bạo, không hiền lành, ngoan ngoãn như giai đoạn trước hai tuổi.
Tôi hiếm muộn, khó khăn lắm mới sinh được cháu nên chăm bẵm nuôi dạy, vậy mà không hiểu sao cháu ngày càng có biểu hiện xấu. Ở nhà, cháu đòi xem hoạt hình suốt. Tôi tắt ti vi là cháu vùng vằng và ngang nhiên bật lại. Tôi tiếp tục tắt, cháu giận dữ, gào thét, đấm đá tứ tung, thậm chí đánh trả cả tôi. Mỗi khi đòi gì không được, cháu sẵn sàng cào, cấu, vung tay đánh người lớn. Tôi để ý thấy khi có khách đến chơi nhà, cháu càng lỳ lợm, ương bướng hơn. Thường thì trẻ con luôn sợ một người trong gia đình nhưng cháu lại không hề sợ ai. Hàng xóm thường dặn con họ tránh xa cháu vì cháu thường xô, đánh, cắn, giật đồ chơi của các bạn, kể cả những đứa lớn hơn.
Chẳng lẽ mới hơn hai tuổi, cháu đã có “máu đại ca”? Vợ chồng tôi rất lúng túng và bất đồng trong cách dạy đứa con ngang ngạnh, dữ dằn này. Tôi muốn đánh cháu để cháu đau mà cảm nhận được là không nên làm người khác đau. Chồng tôi lại không cho đánh vì làm thế, cháu sẽ càng bắt chước hành vi bạo lực. Tuy nhiên, chồng tôi cũng không biết phải làm sao để cháu từ bỏ tật xấu.
Hoa Tuyết (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Chị Hoa Tuyết mến,
Con trai chị đang trong giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên ba”, những biểu hiện của cháu là điển hình cho sự “khủng hoảng” chứ không phải là hiện tượng cá biệt. Nói cháu là “đại ca” là hơi oan cho cháu. Để khắc chế sự khủng hoảng tâm lý này, cha mẹ cần phải biết dùng “nhu thắng cương”.
Chồng chị nói đúng. Nếu cháu đang nổi nóng mà cha mẹ cũng “nóng” theo mà đánh cháu thì chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa”. Cháu nào tính tình hiền lành thì sẽ ấm ức nghe lời lúc đó nhưng lúc khác sẽ vẫn nổi loạn. Cháu nào mạnh mẽ sẽ phản kháng ngay như con chị và sẽ học cách giải quyết mọi việc bằng bạo lực với người xung quanh.
Cháu đang khó kiềm chế cảm xúc, nổi nóng, có hành vi vô lối nên điều cần nhất là cha mẹ phải biết giữ bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết. Cha mẹ cần cho bé ra khỏi môi trường gây khủng hoảng, để cháu ngồi một mình ở nơi yên tĩnh cho đến khi thấy cháu bình tĩnh lại mới phân tích đúng sai.
Thời gian yên tĩnh này cần thống nhất với mọi người trong gia đình là không ai đến gần, mắng cháu hay nựng nịu cháu. Nhiều cha mẹ nhốt con vào phòng kín, nhà tắm… nhằm khiến con sợ mà sửa lỗi, nhưng cách đó sẽ khiến trẻ bị tổn thương tâm lý. Cháu cần ngồi một mình nhưng cha mẹ phải quan sát được cháu và cháu quan sát được cha mẹ, chỉ cần cha mẹ vờ như không để ý đến cháu.
Khi cháu đã chịu lắng nghe, hiểu hành động cháu đã làm là xấu, cha mẹ nên có cử chỉ âu yếm như nắm tay, ôm vào lòng, nói dịu dàng cho cháu biết “con vừa có hành động không tốt nhưng cha mẹ tin con sẽ không lặp lại hành động xấu đó nữa, cha mẹ luôn yêu con”. Nếu cháu chưa có biểu hiện lắng nghe, cần để cháu yên tĩnh một mình thêm một thời gian nữa, đủ để cháu biết lỗi.
Trong ứng xử hàng ngày, người lớn cần tạo cho trẻ đi vào khuôn phép qua các quy định những gì con được làm và không được làm, xác định rõ hình thức thưởng phạt hợp lý kèm theo. Khi áp dụng, cần có sự thống nhất và kiên quyết tuân thủ của tất cả các thành viên trong gia đình.
Bé nhà chị là con một, vì vậy trong cách chăm sóc, nuôi dạy có thể anh chị đã làm cháu ngầm hiểu thông điệp “con là con cưng”. Cháu cần được hiểu rằng mình bình đẳng với mọi người trong nhà, làm đúng sẽ được thưởng, làm sai sẽ bị phạt. Khi người lớn nghiêm minh và công bằng với cháu, cháu sẽ bỏ dần những hành vi vô lối.
Chúc anh chị thành công.
Chuyên viên tham vấn PHẠM THỊ THÚY
Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn
thành công, thông điệp, dịu dàng, hành vi