PNCN - Con trai tôi học lớp 3, rất thích sách nhưng cháu chỉ đọc những quyển do mình chọn. Vào nhà sách, cháu toàn lựa những quyển truyện tranh khá nhố nhăng, có tính bạo lực.
Tôi muốn cháu đọc những sách văn học thiếu nhi, vừa làm giàu tâm hồn vừa giúp cháu học văn tốt hơn, cháu lại chê “chán phèo”. Cháu còn lý luận rằng nếu truyện tranh không tốt thì tại sao truyện tranh lại được in và bán tràn lan như thế. Tôi không biết trả lời thế nào và khá thất vọng lẫn lo lắng cho con trai. Khi xem ti vi cũng vậy, cháu chỉ thích các chương trình thuần giải trí, xem phim hoạt hình hoặc phim kinh dị. Gặp chương trình có nội dung sâu sắc, nghiêm túc, mang tính giáo dục cao là cháu chuyển kênh ngay. Tôi phải làm sao để định hướng cho con?
Lê Văn Sang
(Bình Chánh, TP.HCM)
Anh Sang mến.
Trước hết, xin chúc mừng anh vì cháu thích đọc sách. Đây là một thói quen tốt sẽ giúp cháu có khả năng tự học trong suốt cuộc đời. Hơn nữa, cháu mới học lớp 3 nhưng đã bộc lộ cá tính, suy nghĩ độc lập khi tranh luận với bố về truyện tranh. Vấn đề anh lo lắng là cháu chỉ thích những truyện tranh vô bổ, có nội dung bạo lực, những chương trình phim giải trí…
Có thể có hai nguyên nhân. Thứ nhất, cháu chưa thích những cuốn sách, chương trình ti vi cha mẹ hướng dẫn vì cha mẹ chưa thấu hiểu con nên chọn không đúng sở thích của cháu. Trẻ em thường thích truyện tranh, các chương trình phim hoạt hình, kinh dị vì hình ảnh sinh động, nội dung hấp dẫn, câu thoại ngắn… Những cuốn sách, bộ phim có nội dung giáo dục nghiêm túc nhưng đơn điệu trong cách thể hiện sẽ rất khó hấp dẫn trẻ.
Thứ hai, cũng có thể sự phản ứng của cháu là do cháu chưa tìm được tiếng nói chung với cha mẹ, không hài lòng chuyện gì đó nên thích làm ngược lại lời cha mẹ. Ở đây cũng bộc lộ một dấu hiệu cha mẹ và con đang ở hai phía ngược nhau. Con không muốn nghe lời khuyên của cha mẹ, cha mẹ khó chịu với những sự lựa chọn của con.
Từ hai nguyên nhân trên, tôi xin có vài gợi ý để anh chị cùng tham khảo:
Anh chị có thể trao đổi cùng con về những vấn đề con muốn học, muốn đọc. Rộng hơn, hãy bắt đầu từ ước mơ lớn lên cháu muốn làm gì. Anh chị sẽ cùng cháu nói chuyện về ước mơ và kế hoạch để đạt được ước mơ. Từ đó, anh chị gợi ý cho cháu mảng sách cần đọc. Ví dụ cháu ước mơ trở thành nhà phát minh, anh chị sẽ giới thiệu bộ sách Why (Tại sao) hay bộ sách truyện tranh về các danh nhân thế giới của nhà xuất bản Kim Đồng, bộ này có nói về các nhà phát minh nổi tiếng thế giới như Edison, Newton… Anh chị cũng có thể cùng cháu đi tới các nhà sách lớn, nơi có nhiều sự lựa chọn, sách truyện đa dạng để cháu được tự do lựa chọn sau khi đã có định hướng đọc sách gì là cần thiết.
Anh chị cũng nên phân tích cho cháu biết thực tế có nhiều nơi làm sách không có lương tâm, đã bán ra thị trường nhiều sản phẩm truyện tranh độc hại, bạo lực… mà nếu con đọc, con sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Đôi khi trẻ cũng cần đọc truyện để giải trí, không nhất thiết đặt mục tiêu giáo dục qua truyện quá nhiều mà trẻ bị áp lực, dị ứng với loại sách truyện đó. Hãy cứ để những câu chuyện thấm dần vào con chứ không phải một lúc bắt con hiểu mọi ý nghĩa của câu chuyện. Nhiều cha mẹ nôn nóng muốn dạy con thật nhiều, nên sách nào, chương trình ti vi nào cũng dùng làm ví dụ dạy đạo đức, trẻ nghe nhiều quá sẽ thấy nhàm chán.
Khi anh chị ủng hộ sở thích của con, ủng hộ ước mơ của con thì con anh chị mới dần dần lắng nghe lời cha mẹ và làm theo. Nghệ thuật để con nghe lời không phải nằm ở sự áp đặt hay cho lời khuyên. Khi chúng ta là đồng minh với trẻ, thích những gì trẻ thích, thì trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương, được tôn trọng, từ đó trẻ sẽ mở lòng để lắng nghe.
Chuyên viên tham vấn Phạm Thị Thúy
Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn
nghệ thuật, yêu thương, lắng nghe