Khi con đã lớn

Câu hỏi của con

PNO - Sau những lỡ lầm, mẹ gặp chàng sinh viên nghèo đầy khí chất, lòng mẹ bị cảm hóa, quyết tâm từ bỏ trốn phong trần để sống cuộc sống thanh thản, kiếm những đồng tiền trong sạch.

 Tình yêu nảy nở, mẹ dành những đồng tiền ít ỏi góp sức nuôi chàng sinh viên nghèo ăn học, đáp ứng mọi nhu cầu cho người đàn ông mà mẹ ngỡ sẽ được nương tựa suốt đời. Sau hai năm yêu đương, lúc việc học của người đàn ông ấy gần kết thúc cũng là lúc con xuất hiện. Mẹ cứ ngỡ hạnh phúc đã mỉm cười với mẹ, cuộc đời mẹ rồi sẽ càng trở nên ý nghĩa hơn từ đây. Nhưng khi hay tin, người đàn ông ấy lạnh lùng bảo mẹ: “Nếu em không bỏ đi thì tự mà chăm nuôi, anh không muốn nó làm xấu thanh danh của anh sau này”.


 

Mẹ lặng im tha thứ, tự lừa mình đó là sự hoảng hốt, bất ngờ của chàng trai 22 tuổi, sắp tốt nghiệp đại học, còn chưa biết tương lai ra sao. Lòng mẹ thầm mong khi con ra đời thức dậy tình cảm, trách nhiệm của người làm cha trong con người đó. Nhưng mẹ đã sai, mẹ càng cố gắng làm mọi cách để con được thừa nhận, được mang họ của cha, được hưởng chút sự quan tâm ấm áp của người đã truyền cho con một nửa dòng máu thì chỉ càng nhận được sự hờ hững, né tránh. Cái con người mà mẹ tưởng tư chất đạo đức hơn người đó, hóa ra khi đối mặt với đứa bé 4 tuổi gọi mình là cha chẳng chút rung động, quan tâm nào, chỉ nhăm nhăm đưa mẹ lên giường để thỏa mãn dục vọng của người đàn ông đang độ sung sức. Rồi khi hắn tìm được mỏ vàng, nắm chắc được cơ hội một bước thành ông chủ, hắn điện thoại cho mẹ một câu duy nhất: “Đừng bao giờ liên lạc với anh nữa, em cũng nên tự tìm hạnh phúc cho mình đi”.

Khi mẹ biết được sự thật, mẹ rất muốn giấu con, một đứa bé mới chỉ 6 tuổi. Con vẫn đinh ninh cha mình còn có nhiều việc lớn phải lo, tạm thời chưa thể quan tâm tới mình như những người cha khác. Thoảng những ngày lễ tết, mẹ chỉ biết giấu nước mắt khi nghe con hỏi, sao cha không tới đưa con đi chơi hay tặng quà cho con nhỉ. Những lúc đó mẹ lại nói dối, cha có gọi điện hỏi thăm nhưng con không ở cạnh nên cha nhờ mẹ chuyển lời. Hôm sau mẹ lại mang về một món quà, nói là cha nhờ người đưa tới cho con.

Con trai của mẹ giờ đã tám tuổi, đã ra dáng một người đàn ông nhỏ để mẹ tựa vào những khi mỏi mệt. Hôm rồi mẹ mệt, tan sở về sớm, mở cánh cửa phòng trọ chưa đầy 10 mét vuông, mẹ chết lặng khi thấy con đang chăm chú rà chuột trên một trang face, xem từng bức ảnh gia đình của người đàn ông ấy. Nghe tiếng động, con quay nhìn mẹ, bối rối một lúc lâu rồi nói: “Mẹ, cha có biệt thự, có xe ô tô, có cả con trai nữa rồi, chắc cha không cần con đâu nhỉ?”.


 

Rất nhiều đêm, mẹ không ngủ được, nghĩ tới câu hỏi của con, lòng mẹ đau nhói. Biết bao lần mẹ tự hỏi mình không biết trong sự giàu sang đủ đầy ấy, có khi nào người đàn ông ấy nhớ tới đứa con chưa từng được thừa nhận, luôn phải dằn lòng trước bao thèm khát rất trẻ con như được đi ăn KFC thỏa thích vào mỗi cuối tuần, được vui chơi ở công viên, khu vui chơi giải trí với bao trò hấp dẫn, được gặm càng ghẹ rang muối tới chán mới thôi… Người đàn ông ấy, không biết trong cuộc sống sau này sẽ dạy con trai hợp pháp của mình trở thành một người như thế nào? Liệu người ấy có bổ sung thêm cho xã hội một người đàn ông dám làm mà không dám chịu, coi trọng đồng tiền mà khinh khi tình thân, chỉ biết lợi ích cá nhân mà không bận tâm đến bất kỳ điều gì khác?

Nhưng mặc kệ, dù người đàn ông ấy có thành đạt đến đâu, có giàu có thế nào thì trong mắt mẹ, người ấy nghèo hơn ai hết, tầm thường hơn tất thảy. Mẹ chưa từng dám nói với con sự thật về người cha ấy, nhưng mẹ tin với sự nhạy cảm của con, con sẽ không làm khó mẹ, làm khó mình, và càng chẳng bận tâm làm khó một người cha như thế, phải không con trai?


V.P

www.phunuonline.com.vn

cuộc sống, con trai, công viên, thành đạt


© 2021 FAP
  874,326       1/1,169