PN - Từ ngày có con, hai vợ chồng chuyển tông gọi nhau là “bố” với “mẹ”. Mọi người xung quanh cũng được lên chức, xưng hô theo con, thành ông bà nội ngoại, cô dì… hết ráo.
Không riêng gì những đại từ nhân xưng như “anh”, “em”, “cưng”, “ông xã”, “em iu”… này nọ từ từ tuyệt chủng, còn nhiều thứ khác cũng dần biến mất kể từ lúc nhà xuất hiện thêm thành viên mới. Những lần cà phê, dạo phố, mua sắm mấy món đồ xa xỉ. Những buổi ăn nhà hàng, coi ca nhạc, xem phim. Những dịp nắm tay, những cái ôm dài. Dần dần, những lần nằm chung giường cũng trở thành của hiếm...
Nói nào ngay, cuộc sống đảo lộn theo một cách âm thầm nào đó, vô hình, chầm chậm, người ta chẳng kịp nhận ra là nó đã thay đổi. Như cái cách vợ ngày càng hiếm hoi nụ cười, thường xuyên cáu bẳn, hay than thân trách phận, mở miệng ra là âm lượng đa phần được phát ở mức cao. Anh chẳng mấy hứng thú khi nghĩ đến việc về nhà, đối mặt với vương vãi đồ chơi, thuốc thang và những lời trách móc. Vợ ngày xưa rất siêng nhắn tin cho chồng, vừa dài dòng văn vẻ, vừa nhiều những biểu tượng mặt cười, le lưỡi, những ký tự đáng yêu. Thế mà giờ toàn thấy sử dụng phong cách "quan liêu" theo kiểu ra lệnh “Bố nhớ về sớm, con lại sốt”, “Bố ghé mua thêm tã giấy size L”, “Nhà bị hư điện phòng tắm, bố chỉ lo nhậu thôi à?”… Những cái tin có chữ “Bo” không dấu ấy làm anh thấy mình mỏi mệt.
Người ta dần xa nhau, đôi khi không phải do những nguyên nhân to lớn mà chỉ vì những khó chịu, kiểu như vài hạt cát nhỏ rơi rớt trong đôi giày. Một cách không chủ ý, anh có bồ. Bồ không còn trẻ lắm, nhưng tính tình nũng nịu dễ thương, mỗi lần nhắn tin cho anh là kêu “Bồ ơi bồ à”. Chữ “bồ” không dấu, nhìn y chang như chữ “bố”, mà sao nó hấp dẫn, ngọt ngào chi lạ. “Bồ ơi khi nào bồ qua với em?”, “Bồ ơi, em nhớ bồ quá trời hà”... Anh yêu đời hơn thấy rõ, không còn quá bực bội mỗi khi điện thoại nhận được thông điệp từ “Mẹ Bin”, với chữ “Bo” và những nội dung tủn mủn chuyện nhà.
Một buổi tối, vợ gọi báo rằng, cô Tư vắng nhà đột xuất, anh thu xếp về sớm với con, vợ phải đi có việc. Anh chưa kịp phản đối thì vợ đã cúp máy. Rồi chỉ vài phút sau, điện thoại anh báo có tin nhắn mới. Vẫn là mẹ Bin, nội dung lần này có khác: “Bo oi, gio em tu nha di nhe”.
Anh không sao tin vào mắt mình, cảm giác lạ lẫm và khó hiểu đến tức thì. Vợ chuyển tông xưng “em” với anh kiểu này ư? Hay là vợ nhắn nhầm cho ai đó? Ý nghĩ ấy khiến anh hơi lạnh sống lưng. Dám lắm chứ. “Bo” là bố hay bồ đây ta? Sao giống những cái tin mà bồ vẫn gởi cho anh đến thế cơ chứ! Anh chưa kịp quả quyết thì đã thấy con trai nhắn tới: “Bố ơi mẹ đã đi rồi, không mang theo di động. Bố về với con”.
Đây không phải lần đầu con anh cầu cứu bố. Nhưng hình như chưa khi nào anh không nấn ná ở lại thêm bên bồ, mặc kệ cu cậu một mình. Thế mà chẳng hiểu sao, lần này anh tần ngần nhìn cái điện thoại đầy nghi hoặc, rồi quyết định đi về.
Bồ, không cô này thì cô khác, nhưng cu Bin thì chỉ có mỗi mình anh là bố mà thôi.
AN NHIÊN
bồ, bố, con trai