Khi con đã lớn

Không nên bắt trẻ 'né' tiền

PNCN - Trước câu chuyện về cô bé 12 tuổi kiếm tiền triệu mỗi tháng bằng việc bán mỹ phẩm qua mạng, ngoài những xôn xao ngưỡng mộ của phần lớn bạn đọc...

Theo cách nghĩ truyền thống “của làm hư người”, không ít người làm cha mẹ ở ta hoàn toàn cách ly tiền ra khỏi tuổi thơ của con họ. “Không thiếu thứ gì để phải cần tiền” tưởng chừng là một lý do rất chính đáng để cắt giảm của con những khoản tiền tiêu vặt. Và, mục đích của phụ huynh, hầu hết đều hướng đứa trẻ đến khả năng kiềm chế những nhu cầu chi tiêu, tránh việc “quen ăn không quen nhịn”. Thực tế, đứa trẻ bị cha mẹ ly gián khỏi tiền bằng cách thắt chặt hầu bao, để phải “cần gì xin nấy” suốt thuở thiếu thời sẽ mất cơ hội được tính toán, cân bằng các nhu cầu, phân bổ chi tiêu đối với một khoản tiền nhất định; để rồi hoặc sợ hãi trước tiền, hoặc đau khổ vì ham muốn tiêu cực với đồng tiền.

Trong khi, làm chủ cảm xúc bản thân mới chính là kỹ năng cần thiết để trẻ nhìn nhận đúng đắn về mọi giá trị liên quan đến đồng tiền, là tiền đề của việc trân trọng, tiết kiệm tiền. Theo tôi, nhằm rèn luyện kỹ năng chi tiêu hợp lý, cha mẹ không nên tước đoạt cơ hội tiếp cận với tiền của trẻ mà phải hướng dẫn, uốn nắn bằng chính việc thực hành chi tiêu. Trước mỗi nhu cầu mua sắm của con, chúng ta cần đặt những câu hỏi mang tính “kiểm chứng” nhu cầu ấy, và cân bằng với túi tiền hiện có để trẻ nhận thấy quyết định ấy là quan trọng. Ngay trong việc chi tiêu hàng ngày của mình, cha mẹ cũng phải bày tỏ thái độ tôn trọng đồng tiền, để truyền đạt cho trẻ thái độ tôn trọng ấy.

Tuy nhiên, không riêng chuyện phung phí tiền, cả nguy cơ tham tiền, nô lệ đồng tiền cũng là lý do khiến ta kèm cặp, ngăn cản con khỏi những cơ hội lao động để kiếm tiền chính đáng.

Nếu không vì nghèo khó, người ta có thể xấu hổ khi để con mình đội nắng giữa đường để bán hoa ngày lễ. Những việc dọn dẹp, bưng bê, tuy vừa sức, nhưng trong mắt ta, chưa bao giờ là công việc làm thêm phù hợp với con mình. Xót con, hoặc sợ người quen cười nhạo là phản ứng phổ biến của cha mẹ khi chứng kiến con họ phải đổi sức lao động để kiếm tiền. Thế nhưng, ở những đất nước giàu có bậc nhất, việc trẻ em kiếm tiền lại gần như là điều đương nhiên. Tôi được biết, trong các trường mẫu giáo ở Singapore, những đứa trẻ tích cực phát biểu còn được thưởng tiền sau giờ học.

Những tờ tiền ấy chỉ lưu hành trong trường và tùy vào mức độ chính xác của câu trả lời mà các em được thưởng những mệnh giá khác nhau. Giờ ra chơi, nhà trường bày sẵn những gian thức ăn, đồ chơi để học sinh mua bằng chính những đồng tiền được thưởng. Có những món đồ dù thích nhưng chưa có tiền, hoặc không đủ tiền mua; những tiết học sau, trẻ lại tích cực giơ tay trả lời để có đủ tiền thưởng mà mua món đồ ấy. Điều này có thể khiến các bậc cha mẹ Việt Nam tròn mắt ngạc nhiên, nhưng thực tế lại giúp con trẻ trải nghiệm cảm giác sử dụng và trân quý đồng tiền do công sức mình làm ra. Qua đó, bằng một cách thực tế nhất, trẻ thấm thía bài học rằng muốn có tiền thì phải tạo ra giá trị tương xứng, tránh việc quen tiêu tiền của người khác - một thói quen xấu rất dễ mắc phải.

Sau cùng, tất cả những người trưởng thành đều phải thừa nhận, việc phải sống, làm việc với đồng tiền là điều bất khả kháng với con người. Cách tiết kiệm, quản lý, hay lao động kiếm tiền là bài học không thể khước từ; càng né tránh, càng khiến trẻ thiếu hiểu biết, dễ sa ngã. Nếu không được tiếp xúc và uốn nắn từ thuở còn thơ, mọi giá trị lệch lạc xuất phát từ đồng tiền in hằn lên nhân cách, lối sống của một đứa trẻ đã trưởng thành, sẽ vạn lần khó sửa.

 THANHTÂN

www.phunuonline.com.vn

né tiền, tiêu tiền, đồng tiền


© 2021 FAP
  873,817       1/826