Khi con đã lớn

Mong là con chỉ vô tình...

PN - Có lẽ mọi thứ đã bắt đầu từ lâu lắm, thuở con còn là một cô bé học mầm non, chiều về nhà lăn ra phụng phịu “sao mẹ không nấu canh khoai mỡ, canh cà chua trứng cho con ăn?".

Ngày con mới lớn, được bạn tặng vài món quà nho nhỏ, con vui sướng nâng niu, nhắc mẹ mua gì đó để con “chơi đẹp” lại với bạn. Con hân hoan kể, bạn tốt với con quá chừng, dành cho con mấy thứ thật xinh xắn. Mẹ vui lây với sự cảm kích của con mà không kịp nhận ra rằng, hình như con chưa từng một lần xúc động khi nhận được món quà từ bố mẹ.

Con bây giờ muốn đi đâu thì đi, nếu mẹ hỏi tới thì con tỏ thái độ không bằng lòng: “Mẹ hỏi làm gì? Con lớn rồi chứ đâu phải là con nít nữa”. Mẹ lặng buồn vì con chẳng hiểu, mẹ không phải muốn “quản lý” con, mà bởi mẹ chỉ có thể yên tâm khi biết nơi con đến an toàn, bình yên…

Đã có lần, con tỏ ý thất vọng vì bố mẹ không là ông này bà nọ để con có cơ hội thăng tiến, cũng không thể giúp vốn để con mở quán kinh doanh riêng, tự làm chủ, làm giàu dễ dàng theo ý mình. Bố con trăn trở nhiều lắm. Lẽ nào, mẹ chưa từng dạy con sống có trách nhiệm, biết yêu quý thành quả lao động của chính mình, không dựa dẫm, ỷ lại vào sự bảo bọc của bố mẹ. Con gái của mẹ, con không còn bé mọn, con đã tự làm ra tiền, coi trọng sự giúp đỡ của ai đó bất kỳ, biết lấy lòng, giữ mối quan hệ bằng cách hỏi han, niềm nở, ân cần, quà bánh… Bố mẹ chưa cần con phải “đáp lễ” những yêu thương dành cho con, nhưng cái cách con mỗi chút không hài lòng, vùng vằng khó chịu ấy, thật sự làm bố mẹ buồn lòng vô cùng.

Mẹ muốn kể con nghe câu chuyện này: Có cô con gái nọ cãi nhau với mẹ, giận dỗi bỏ nhà đi. Cô đi rất lâu, nhận ra bụng cồn cào đói. Tiền không có, may thay được một người phụ nữ tốt bụng nấu cho tô mì. Cô gái rất xúc động, mới ăn được một ít thì nước mắt đã chảy, rơi xuống tô mì. Người phụ nữ kia an ủi: “Con làm sao vậy?”. Cô gái vừa khóc vừa nói: “Con với bà không hề quen biết nhau, vậy mà bà đối xử với con thật tốt, còn nấu mì cho con ăn nữa… Trong khi đó mẹ lại nặng nhẹ la mắng con!”. Người kia liền bảo: “Sao con lại nghĩ vậy? Bà chỉ nấu cho con ăn một bữa, mà con lại cảm kích. Vậy mẹ con đã nhiều năm cơm gạo cho con ăn, sao con không cảm ơn mà còn cãi lời mẹ?”. Cô gái lặng người, vội vã ăn hết tô mì rồi lập tức chạy về. Đến nhà, thì thấy mẹ đang đứng trước cửa đợi. Mẹ thấy con gái, rất mừng: “Vào nhà mau đi con, cơm mẹ đã nấu xong, thức ăn nguội hết rồi”. Nước mắt của cô gái lại chảy xuống, rưng rưng…”.

Vậy đó con. Đôi khi, nhận chút ân huệ ngoài đường lại dễ khiến cho mình cảm động. Sếp đi công tác về, tặng con chiếc áo mới, con xuýt xoa bảo, từ bé đến giờ mới có bộ đồ đẹp như vậy. Qua nhà bạn ăn cơm, con về tấm tắc mãi món sườn ram mật ong, nức nở khen mẹ bạn “khéo tay, ân cần, cưng chiều con hết mực”.

Không, mẹ chẳng hề ganh tỵ với ai cả, nhưng ngờ ngợ thấy con “hướng ngoại” quá nhiều. Những ân tình của bố mẹ và người thân thì con lại dễ dàng quên đi, không chút bận tâm hay áy náy. Hay bởi con quen đòi hỏi bố mẹ phải lo cho con, nhưng con chẳng nhớ gì tới việc đó, coi đó là sự hiển nhiên? Mẹ vẫn hiểu, những chăm chút yêu thương bố mẹ dành cho con là tự nguyện, là một chiều. Nhưng con đã bao giờ dừng lại, dù chỉ một khoảnh khắc thôi, để nhận ra mình hầu như chỉ biết nhận, mà thậm chí quên cả một lời cảm ơn.

 AN NHIÊN

www.phunuonline.com.vn

vô tình, hướng ngoại, ân tình


© 2021 FAP
  873,838       1/828