Khi con đã lớn

Vịt con xấu xí

PNCN - Thưa chuyên gia, tôi là người đàn ông đơn thân nuôi con gái học lớp 7. Tội nghiệp, cháu có gương mặt xấu xí và lại khá mập nên luôn bị các bạn trong lớp trêu ghẹo...

Mới đây, tôi chứng kiến cảnh các bạn ghép đôi cháu với cậu học sinh bảnh trai nhất lớp và cười ồ. Cháu bưng mặt, vụt chạy chỗ khác. Lúc đó, tôi chỉ biết quát lũ “thứ ba học trò” kia chứ chẳng biết làm sao. Trên đường về nhà, con khóc thút thít sau lưng tôi. Hỏi đến, cháu chỉ lắc đầu, im lặng. Tôi gợi ý chuyển trường, cháu gục mặt, tức tưởi. Tối đó, tôi thấy cháu âm thầm viết nhật ký. Dù không đọc được nhưng tôi đoán đấy là những dòng tâm sự buồn chán, bi quan. Ở cấp I, cháu cũng bị chọc ghẹo nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và kết quả học tập như bây giờ. Tôi không biết làm cách nào để giúp cháu vơi bớt mặc cảm, tập trung vào việc học và sống vui vẻ.

Trần Văn Thảo (Q.9, TP.HCM)

Anh Thảo mến,

Con gái anh rất may mắn khi có người cha nhạy cảm, quan tâm đến con như anh. Con gái anh đang phải chịu đựng nhiều nỗi khổ tâm: khổ tâm vì hình thức bề ngoài, khổ tâm vì bị chọc ghẹo, khổ tâm vì thiếu mẹ để chia sẻ, giúp đỡ chuyện con gái… Cháu đang tuổi dậy thì nên rất dễ bị tổn thương khi thấy mình khác biệt, không được các bạn chấp nhận. Ở tuổi mới lớn, các cháu rất coi trọng bạn bè, một lời nhận xét ác ý sẽ là sự đau đớn, dằn vặt. Anh đã quan sát rất tinh tế khi thấy hồi cấp I cũng bị chọc ghẹo, nhưng cháu không bị ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và kết quả học tập như khi lên cấp II. Vẻ ngoài rất quan trọng với một cô bé đang lớn. Cháu chưa hiểu được có nhiều điều quan trọng hơn hình thức, cháu chưa hiểu nét duyên con gái là ở hình ảnh, hay cụ thể hơn là ở cách ứng xử của cháu, phong thái của cháu chứ không phải ở vài nét bề ngoài. Cháu thấy mình xấu xí, mập… nên tự ti. Càng tự ti, cháu càng bị bạn bè chế giễu, trêu ghẹo…

Anh có thể giúp cháu ở hai điểm: thay đổi cách nhìn về hình dáng bên ngoài, giúp con cải thiện hình ảnh bản thân và giải quyết chuyện chọc ghẹo.

Thứ nhất, anh có thể giúp cháu thay đổi cách nhìn về hình thức bên ngoài, từ đó tự tin và ngày càng biết làm đẹp hơn. Anh khen cháu hàng ngày từ lời ăn, tiếng nói đến lối sống, cách sinh hoạt để cháu thêm tự tin. Anh khéo léo cho cháu biết về tiêu chí đánh giá vẻ đẹp của phụ nữ qua những lời nhận xét của anh về người nào đó mà anh và cháu cùng tiếp xúc: cô ấy cười thật có duyên, cô ấy đẹp không phải về hình thức mà đẹp ở tâm hồn, chị ấy thật dễ mến hay “ba nhìn những người đi làm công tác từ thiện ba thấy họ rất đẹp”… Anh có thể mua những cuốn sách về bí quyết làm đẹp của phụ nữ cho cháu đọc. Anh lên mạng tìm vài nhân vật trước đây chưa đẹp nhưng sau biết cách ăn mặc nên ngày càng đẹp hơn. Anh giúp cháu kiểm soát ăn uống để tránh béo phì. Anh trực tiếp hoặc nhờ ai đó giúp cháu chọn những bộ quần áo phù hợp, giúp cháu thích nghi với bạn bè. Người ta có câu “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người không biết làm đẹp mà thôi”.

Thứ hai là chuyện chọc ghẹo. Vấn đề này thường bị thầy cô và cha mẹ xem nhẹ, vì nghĩ tụi nhỏ chọc chán rồi thôi, buồn chút rồi hết, nhưng thực tế rất nhiều hậu quả đau lòng đã xảy ra: ẩu đả, gây án mạng, chán nản, bỏ học, thậm chí tự tử… Cháu đang rất bi quan vì lời chọc ghẹo ác ý, anh có thể tìm cơ hội nói chuyện với cháu về chuyện này, cho cháu biết cảm nhận của anh, chia sẻ những cảm xúc cháu đang có, đồng cảm và bênh vực cháu. Cháu đang cần một chỗ dựa mạnh mẽ từ một người cha. Anh có thể gặp giáo viên chủ nhiệm để bàn cách khéo léo ngăn chặn sự chọc ghẹo vô tâm này. Quát mắng các bạn của cháu có thể sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn, cháu càng xấu hổ với bạn bè. Chuyển trường ngay cũng chưa chắc đã giúp cháu tránh được sự chọc ghẹo, thậm chí có thể khiến cháu lạc lõng vì bạn mới, trường mới…

Anh hãy dạy cháu ngẩng cao đầu mà đi: “Con càng tự tin, tự trọng, bạn bè càng không dám chọc ghẹo. Nếu con càng ngại ngùng, thu mình, các bạn càng hứng thú đem con ra làm trò cười… Con hãy khẳng định vị trí của con trong lớp bằng cách học tốt hơn, giúp giáo viên, giúp các bạn mỗi khi con có thể. Con hãy tin ngoài vài bạn trêu chọc thì vẫn còn những bạn tốt đồng cảm với con, con hãy tìm đến họ để kết bạn…".

Hai điều anh có thể giúp con mà tôi xin gợi ý ở trên có thể không dễ đối với người cha đơn thân nuôi con với bao vất vả, nỗi niềm… Nhưng tôi tin với tình yêu thương con vô bờ bến, anh sẽ giúp cháu vượt qua khó khăn đầu đời.

Chuyên viên tham vấn PHẠM THỊ THÚY

www.phunuonline.com.vn

vịt con xấu xí, tự tin, vất vả


© 2021 FAP
  873,870       1/827