Khi con đã lớn

Con ham chơi

PN - Tết đã hết nhưng “tinh thần” chơi bời của con gái tôi vẫn chưa kết thúc. Do nhà tôi khá chật, gia đình các anh em ở chung nên từ lúc cháu còn nhỏ...

Nay cháu đã học lớp 8, “chân đi” thời bé được duy trì cho đến giờ. Vợ chồng tôi bận buôn bán, nhà lại gần trường nên cháu tự đạp xe đi học. Thế là cháu càng có điều kiện tung tăng. Tan học, cháu không về nhà ngay, bữa ghé nhà bạn, bữa đi uống nước mía, bữa ngồi lại trong sân trường để “tám” cả tiếng đồng hồ. Là con gái mà có khi cháu đi sinh nhật bạn đến 23g mới về. Vợ chồng tôi lo lắng, nghĩ dại đủ điều. Điện thoại cho cháu chỉ nghe ò í e. Cháu về trễ, bị ba la vẫn không biết lỗi, còn nói hỗn: “Tụi bạn còn ngồi đó mà ba biểu con về, mai mốt con chơi với ai? Tháng Giêng là tháng ăn chơi mà, ba làm gì khó dữ? Ba còn đi nhậu về muộn hơn con nữa kìa!”.

Ba cháu bực và đánh cháu. Đánh thì đánh, cháu vẫn đi. Vì ham chơi, cháu không hề phụ giúp việc nhà. Là đứa rất thông minh, cháu học bài loáng cái đã xong nên kết quả thi cử không tệ. Tuy nhiên, nếu tiết chế được thói ham chơi, đầu tư học hành, chắc chắn cháu sẽ có thành tích vượt trội. Biết rằng “học mà không chơi, xa rời tuổi trẻ”, nhưng với biểu hiện quá đà của con, vợ chồng tôi lo cháu sẽ hư đốn, đánh mất tương lai. Chúng tôi phải làm sao để giúp con quản lý thời gian, tập trung lo cho việc học hành và biết thương ba mẹ cả đời cực khổ vì con?

Ngọc Yến (Q.10, TP.HCM)

Chị Ngọc Yến thân mến,

Khi con đang tuổi học, tuổi lớn mà ham chơi thì cha mẹ nào cũng rất lo lắng. Với bé gái con của chị, nguyên nhân không phải do “chân đi” ngày bé ảnh hưởng đến bây giờ. Việc anh chị thường xuyên cho cháu đi chơi công viên, nhà thiếu nhi ngày bé rất có lợi cho sự phát triển của cháu. Có lẽ nhờ vậy mà cháu thông minh và tự tin trong giao tiếp.

Cháu ham chơi, học xong không về nhà giúp mẹ mà lại la cà cùng bạn, cãi cha mẹ khi đi chơi về khuya là điều cần chấn chỉnh. Có thể vài lần cháu ham chơi sau giờ học nhưng không được cha mẹ nghiêm khắc răn đe nên cháu tiếp tục làm sai, khi bị cha mắng, thì tự ái tuổi mới lớn nổi lên nên cãi hỗn. Nếu cha mẹ đánh mắng con ở tuổi này, chỉ làm tăng sự bướng bỉnh ở con, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng xa cách, con càng khó nghe lời, thậm chí có trẻ cố ý làm trái ý cha mẹ để thể hiện bản thân...

Anh chị rất cần sự kiên nhẫn và khéo léo để điều chỉnh sự ham chơi của cháu.

Trước hết, cha mẹ cần hiểu tâm lý lứa tuổi của con gái mới lớn. Các cháu thích được cha mẹ tôn trọng, coi mình đã là người lớn, thích được tự do, được trò chuyện bình đẳng với cha mẹ chứ không thích "bị" xem như con nít, càng không thích bị la mắng.

Thay vì chê, mắng lỗi con, cha mẹ có thể đưa ra quy định về những việc cần làm. Những quy định này cần trao đổi thống nhất với con, con làm điều này thì có lợi gì, con vi phạm thì sẽ chịu sự thiệt thòi nào. Khi con vi phạm, cần có hình thức xử lý như đã thống nhất. Nói chuyện mềm mỏng, tôn trọng nhưng kiên quyết là biện pháp giao tiếp tích cực cần có với con cái tuổi mới lớn. Cha mẹ cho con được tự do trong giới hạn cho phép sẽ giúp con biết điều gì được phép làm và điều gì không được phép làm.

Con anh chị đã học lớp 8, đủ lớn để làm các công việc nhà giúp cha mẹ. Cha mẹ cần giao việc, khuyến khích động viên, hướng dẫn con làm thì trẻ mới hợp tác. Sự khen ngợi của cha mẹ khi con có một sự tiến bộ dù nhỏ cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, cha mẹ cần làm gương cho con. Chị và anh cũng cần có những quy định cho chính các thành viên của gia đình để cùng nhau thực hiện thì con cái mới noi theo. Cha mẹ dành nhiều thời gian cho gia đình, cho con cái thì sẽ giúp con muốn về nhà sớm hơn, muốn cùng làm việc nhà với cha mẹ hơn. Dù công việc của anh chị là buôn bán khá bận, việc đi nhậu để giao tiếp bạn bè cũng khó tránh, nhưng anh chị cũng thấy cháu nhìn hành vi của cha mẹ để sống. Vì vậy, nếu cha thường xuyên về muộn thì rất khó đòi hỏi con về sớm.

Mong anh chị có niềm tin ở cháu. Cháu sẽ thay đổi tích cực khi cháu nhận thấy sự thay đổi tích cực ở cha mẹ trong thái độ ứng xử, việc làm hàng ngày.

 Chuyên viên tâm lý PHẠM THỊ THÚY

www.phunuonline.com.vn

con ham chơi, làm gương cho con, cha mẹ, tích cực, thái độ


© 2021 FAP
  873,612       1/854