Quốc tế

Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan: Quân đội vẫn đứng ngoài

Tư lệnh quân đội Thái Lan Thanasak Patimapakorn thúc giục cả hai bên (chính phủ và lực lượng đối lập) gạt bỏ những bất đồng, trong lúc cuộc khủng hoảng chính trị ở đất nước này ngày càng sâu sắc.

Chiến dịch “đóng cửa Bangkok” vẫn tiếp tục diễn ra vào ngày 19-1, với việc cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban dẫn đầu hàng ngàn người tuần hành yêu cầu Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.

Ông Suthep Thaugsuban vẫy chào những người ủng hộ trong cuộc tuần hành ở Bangkok. Ảnh: AP
Ông Suthep Thaugsuban vẫy chào những người ủng hộ trong cuộc tuần hành ở Bangkok. Ảnh: AP

Quy mô biểu tình đã giảm hẳn nhưng bạo lực xảy ra khiến tình hình không còn mang tính ôn hòa ở Bangkok nữa. Hai vụ nổ vào ngày 19-1 làm ít nhất 28 người bị thương là vụ bạo lực mới nhất gây chấn động Bangkok. Cảnh sát nói rằng, 2 vụ nổ này tương tự vụ xảy ra vào ngày 17-1, làm một người đàn ông thiệt mạng và 36 người khác bị thương.

Câu hỏi đặt ra là quân đội có can thiệp vào khủng hoảng hay không. Đã có rất nhiều quan ngại về vấn đề này mặc dù ông Thanasak đến nay vẫn khẳng định lực lượng của ông chỉ giữ quan điểm trung lập. “Quan hệ giữa chính phủ với quân đội hiện bình thường. Chúng tôi cần tôi trọng luật pháp và trật tự. Cá nhân tôi tôn trọng luật và tôn trọng tất cả các bên”, ông Thanasak nói. Người đứng đầu quân đội Thái Lan cũng kêu gọi các bên ngồi lại đàm phán để tìm ra giải pháp.   

Nhật báo Bangkok Post dẫn lời ông Thanasak khẳng định ông không có ý định trở thành thủ tướng mà chỉ hành động với vai trò là trung gian hòa giải.

Tuy nhiên, những đồn đoán về sự can thiệp của quân đội không hẳn không có cơ sở. Bởi lẽ, kể từ năm 1932 đến nay, quân đội Thái Lan từng thực hiện 18 cuộc đảo chính, mới nhất là vụ năm 2006 lật đổ ông Thaksin Shinawatra - anh của bà Yingluck, đồng thời đánh dấu một trang sử mới đầy bất ổn của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.

AP cho biết, lo lắng về sự can thiệp của quân đội, Thủ tướng Yinglick ra lệnh cảnh sát tránh xung đột với những người biểu tình. Nhưng cảnh sát, vốn thân cận với chính phủ, lại có vai trò mờ nhạt, thậm chí dường như chỉ đứng nhìn khủng hoảng xảy ra.

Chưa rõ ai đứng sau vụ tấn công ngày 17-1, chỉ biết rằng các bên đang quy trách nhiệm lẫn nhau. Ông Suthep đổ lỗi cho chính phủ và nói rằng, vụ việc không ảnh hưởng đến tinh thần của những người đang phong tỏa các con phố ở Bangkok và chiếm giữa nhiều cơ quan chính phủ.

Song, có những dấu hiệu cho thấy phong trào chống chính phủ sẽ vượt khỏi phạm vi thủ đô và tràn về các vùng quê - nơi được xem là “căn cứ địa quyền lực chính trị” của bà Yingluck. Sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân nông thôn là cơ sở để ông Thaksin và các đồng minh giành thắng lợi trong bất kỳ cuộc bầu cử nào kể từ năm 2001 đến nay. Trong cuộc bỏ phiếu theo dự kiến vào ngày 2-2 tới, dù Đảng Dân chủ đối lập có tẩy chay sự kiện này hay không, nhưng hầu hết các nhà phân tích chính trị đều cho rằng Đảng Puea Thai của bà Yingluck sẽ chiến thắng. Đó cũng là lý do khiến Đảng Dân chủ sợ bầu cử bởi họ không muốn dòng họ Shinawatra bị cáo buộc tham nhũng tiếp tục nắm quyền.

Diễn biến chính trị ở Thái Lan vẫn khó dự đoán. Phe đối lập vẫn đòi hoãn bầu cử nhưng chính phủ Bangkok kiên quyết bác bỏ điều này. Những ngày sắp tới, tình hình có thể căng thẳng hơn. Theo Tổng Thư ký Ủy ban An ninh quốc gia Paradorn Pattanubut, sắc lệnh khẩn cấp có thể được ban hành nếu cần thiết.

VĨNH AN

.
Đà Nẵng

© 2021 FAP
  11,220       1/467