Xã hội

Nắng nóng, bệnh hô hấp, tiêu hóa tăng cao

Vào những ngày nắng nóng này, bệnh hô hấp và tiêu hóa nhập viện điều trị nội trú ngày càng tăng cao, khiến nhiều khoa hô hấp, tiêu hóa ở các bệnh viện trong tỉnh quá tải.

Bé Phan Thị Như N., 5 tháng tuổi, đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.  Ảnh: N.Thư.
Bé Phan Thị Như N., 5 tháng tuổi, đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: N.Thư.

Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, trung bình mỗi ngày Khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai  tiếp nhận và điều trị 20 ca bệnh mới gồm các bệnh: tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa, áp-xe gan, viêm tụy, viêm dạ dày, viêm gan...

* Khổ sở với tiêu chảy cấp!

Tại Khoa Tiêu hóa, đa phần bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tiêu chảy cấp với các biểu hiện: nôn, ói, sốt cao và đi ngoài nhiều phân lỏng hay bị tóe nước. Đơn cử như bé Nguyễn Ngọc Thanh Ch., 12 tuổi, ngụ xã An Hòa, TP.Biên Hòa, phải nhập viện sáng 11-4, trong tình trạng sốt cao và nôn ói, tiêu chảy. Theo người nhà của bé Ch., sau khi bé ăn khoai tây chiên đã nảy mầm  thì xảy ra tình trạng như trên.

Phòng ngừa bệnh tiêu hóa mùa nắng nóng

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết để phòng ngừa các bệnh về tiêu hóa phải giữ vệ sinh trong ăn uống cũng như vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày. Tạo thói quen vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; chế biến và bảo quản đồ ăn phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Những thực phẩm trong tủ lạnh không để lâu, các thực phẩm phải được bọc kín, tách riêng thực phẩm sống và chín. Thức ăn chế biến xong phải sử dụng ngay trong khoảng từ 1-2 giờ. Đối với thức ăn để ngoài trước khi sử dụng cần hâm lại, tuy nhiên trong mùa nắng nóng nên hạn chế sử dụng thức ăn hâm đi hâm lại, nên nấu ăn từng bữa riêng để đảm bảo dinh dưỡng, tránh bị nhiễm khuẩn. Cung cấp đầy đủ các vitamin để nâng cao sức đề kháng, đặc biệt là cho trẻ nhỏ phòng ngừa bệnh tiêu chảy bằng cách uống vaccine phòng ngừa virus Rota.

Không chỉ ở trẻ em, mà tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng chật kín người do số ca bệnh mới nhập viện mỗi ngày lên đến gần 20 ca, có hôm còn lên đến 27 ca mới nhập viện với các bệnh: tiêu chảy cấp, xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa... trong đó nhiều nhất là tiêu chảy cấp và rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn. Ví dụ như trường hợp bà Nguyễn Thị P. (70 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) nhập viện ngày 14-4 trong tình trạng đau bụng và đi ngoài nhiều sau khi ăn dưa hấu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết thời tiết nóng như hiện nay là một trong những yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh về tiêu hóa nhất là tiêu chảy, tiêu chảy cấp. Trời nắng nóng nên thức ăn bảo quản dễ bị lên men, hư thiu hơn so với điều kiện bình thường, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh, tấn công và gây bệnh cho con người, đặc biệt là trẻ em sức đề kháng còn yếu.

* Đừng chủ quan với bệnh hô hấp

Cùng với bệnh tiêu hóa, trong những ngày tháng 4, tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, số ca bệnh hô hấp nhập viện điều trị nội trú cũng tăng cao. Cụ thể như  Khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, mỗi ngày có 70-80 bệnh nhân hô hấp điều trị nội trú. Tương tự, số bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cũng tăng cao, trung bình mỗi ngày có gần 20 ca mới nhập viện, trong đó đa số là bệnh viêm tiểu phế quản, hen phế quản, viêm phổi do nhiễm trùng.

Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai luôn chật kín bệnh nhân, nhiều trường hợp phải nằm hành lang của khoa do quá tải.  Ảnh: Mỹ Hoa
Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai luôn chật kín bệnh nhân, nhiều trường hợp phải nằm hành lang của khoa do quá tải. Ảnh: Mỹ Hoa

Điều đáng nói, rất nhiều trường hợp bệnh hô hấp ở bệnh nhân nhi khi nhập viện rất nặng, nhiều nhất là viêm phổi, có ca phải thở máy do phụ huynh chủ quan tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Như trường hợp bé Phan Thị Như N. (5 tháng tuổi, tạm trú ở KP.9, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) phải thở máy nhiều ngày liền do viêm phổi nặng dẫn đến suy hô hấp. Trước đó, bé bị sốt cao liên tục, mẹ của bé tự mua thuốc tán sẵn ở một tiệm thuốc tây gần nhà cho bé uống gần 1 tuần nhưng vẫn không bớt mà ngày càng nặng hơn, thở khò khè, sốt cao nên phải nhập viện cấp cứu.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, do thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao, nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cao, đây là nguyên nhân chính dẫn đến đợt cấp của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, viêm phổi. Để phòng, ngừa bệnh hô hấp phải thường xuyên rửa tay bằng xà bông, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát; đặc biệt đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với bệnh nhân hô hấp. Riêng đối với trẻ nhỏ, khi ngủ không để quạt hay để máy lạnh xối vào mặt gây nhiễm lạnh, suy giảm sức đề kháng.

Mỹ Hoa - Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,592,080       5/974