Giáo dục

Giám đốc OECD tiết lộ những điều không có trong báo cáo PISA

Đông Á đang dần nổi lên là miền đất hứa cho việc học tập. Các hệ thống giáo dục ở khu vực này đều chú ý đến cách chọn và đào tạo giáo viên.

Andreas Schleicher, Giám đốc giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có bài viết chia sẻ trên BBC ngày 7/12. 

Kết quả PISA công bố ngày 6/12 cho thấy mức điểm thấp của nhiều học sinh ở Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Macau, Singapore, Đài Loan và Việt Nam bằng mức điểm cao nhất của nhiều học sinh các nước khác. Ở phương Tây, chỉ có Estonia và Phần Lan có vị trí cao trên bảng xếp hạng PISA. 

giam-doc-oecd-tiet-lo-nhung-dieu-khong-co-trong-bao-cao-pisa

Học sinh đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á có kết quả PISA nổi bật. Ảnh: iStock

Trung Quốc vẫn gây ấn tượng

Kết quả PISA năm 2012 cho thấy Thượng Hải đứng đầu 65 hệ thống giáo dục khi so sánh về Toán, Khoa học và Đọc hiểu. Một số cho rằng sự thành công của Thượng Hải không thể đại diện cho các bộ phận khác của Trung Quốc. 

Trong các bài kiểm tra PISA mới nhất thực hiện năm 2015, kết quả của Thượng Hải được kết hợp với 3 bộ phận khác của Trung Quốc (Bắc Kinh, Giang Tô, Quảng Đông), gây ấn tượng mạnh về điểm Khoa học. Các tỉnh thuộc Trung Hoa đại lục này thuộc tốp 10 trong bảng xếp hạng. Do vậy, thế giới sẽ tiếp tục xem Trung Quốc như một cầu thủ xuất sắc trên lĩnh vực giáo dục. 

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể tìm cảm hứng từ các quốc gia khác. Học sinh nước này vượt trội về kiến thức khoa học, nhưng để "suy nghĩ như một nhà khoa học", Trung Quốc làm kém hơn hầu hết các nước phương Tây. Chẳng hạn, học sinh Mỹ dường như có đầu óc khoa học tốt hơn học sinh ở nhiều quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc.

Vận dụng kỹ năng trong thế giới đầy biến động 

Điều này vô cùng quan trọng. Giáo dục được sử dụng để dạy con người về sự thật, các định lý, giờ đây cần giúp học sinh phát triển các kỹ năng điều hướng để tìm con đường riêng trong một thế giới ngày càng biến động. 

Chúng ta không thể biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào, đôi khi sẽ phạm sai lầm trên đường đi. Tuy nhiên, những sai lầm và thất bại đó là bài học đắt giá, dạy cho chúng ta nhiều hơn sách vở. Một phần quan trọng của giáo dục hiện nay là giúp học sinh phát triển thái độ tích cực đối với việc học sẽ kéo dài trong suốt cuộc đời.

Số học sinh Mỹ muốn có nghề nghiệp tương lai liên quan đến khoa học nhiều gấp đôi 4 tỉnh Trung Quốc và hầu hết quốc gia châu Á khác. Nhiều người trong số đó sẽ không đạt được ước mơ vì học kém môn Khoa học trong trường. Trong khi đó, học sinh các quốc gia Đông Á đạt điểm cao ở môn này nhưng chưa thực sự có thái độ tích cực và say mê đối với khoa học. 

giam-doc-oecd-tiet-lo-nhung-dieu-khong-co-trong-bao-cao-pisa-1

Top 12 quốc gia và lãnh thổ xếp hạng PISA về Đọc hiểu và Toán. Ảnh: BBC

Điểm chung của các hệ thống giáo dục thành công

Một phát hiện thú vị khác từ PISA là học sinh Trung Quốc dành gần 57 giờ mỗi tuần cho học tập tại trường hoặc ở nhà, còn học sinh Phần Lan chỉ cần 36 giờ để có kết quả cao. Rõ ràng không ai có thể sao chép hệ thống giáo dục, nhưng các quốc gia thành công nhất trong giáo dục đều có điểm chung.

Các nhà lãnh đạo trong hệ thống giáo dục Đông Á đã thuyết phục công dân lựa chọn giáo dục. Các bậc phụ huynh dốc hết tiền của vào sự nghiệp giáo dục con cái, mong cầu một tương lai tươi sáng hơn. Còn ở hầu hết nước phương Tây, phụ huynh thế chấp tương lai của con em mình, thể hiện qua núi nợ công khổng lồ. 

Đầu tư vào giáo viên

Trên khắp châu Á, người ta có niềm tin rằng mọi đứa trẻ sẽ thành công. Với họ, thành tích là kết quả của việc học hành chăm chỉ chứ không phải trí thông minh bẩm sinh. Bối cảnh xã hội chung cho thấy người ta tìm đủ mọi cách để bồi dưỡng nên thành công. 

Không có nơi nào chất lượng giáo dục tách biệt với chất lượng giáo viên. Các hệ thống giáo dục Đông Á đều chú ý đến cách chọn và đào tạo giáo viên. Khi quyết định đầu tư, họ ưu tiên chất lượng đội ngũ giảng dạy hơn quy mô lớp học. 

Họ khuyến khích giáo viên phát triển sự nghiệp, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, nâng cao sáng tạo, cải thiện hiệu suất và theo đuổi sự chuyên nghiệp. Học sinh sẽ hưởng lợi từ kiến thức mà đội ngũ giáo viên xuất sắc truyền tải. Về mặt này, không nơi nào tốt hơn Thượng Hải hay Phần Lan. 

Cần gắn kết chính sách với thực tiễn trong mọi khía cạnh giáo dục, đảm bảo thực hiện một cách nhất quán trong thời gian dài. Về mặt này, không nước nào thể hiện tốt hơn Singapore. 

giam-doc-oecd-tiet-lo-nhung-dieu-khong-co-trong-bao-cao-pisa-2

Singapore chỉ vừa đánh dấu 50 năm độc lập vào năm ngoái nhưng lại có kết quả PISA đứng đầu thế giới. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, nhu cầu của hệ thống giáo dục hiện đại không chỉ dừng lại ở đây. Các trường học cần chuẩn bị để học sinh có thể sống và làm việc với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau, đồng thời đề cao ý tưởng và quan điểm mới lạ. Học sinh cần sống trong một thế giới nơi người ta tin tưởng và hợp tác dựa trên những điều khác biệt. Và đó chính là lý do mà OECD sẽ lần đầu tiên đưa năng lực cạnh tranh toàn cầu thành trọng tâm của PISA 2018.

Chúng ta cần khiến học sinh nghĩ cho bản thân và hành động cho người khác, giáo dục nên một thế hệ tương lai sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn nhờ trí thông minh và nhân cách tốt. 

PISA là chương trình của OECD nhằm đánh giá năng lực học tập của học sinh 15 tuổi về Toán, Khoa học và Đọc hiểu. Kết quả mới nhất dựa trên các bài thi thực hiện năm 2015 của 540.000 học sinh đến từ 72 quốc gia. 

Phiêu Linh

VNExpress

giấc mơ Mỹ, châu Á, PISA, OECD, học tập, học sinh, kết quả, giáo dục


© 2021 FAP
  734,359       1/700