Giáo dục

Phó thủ tướng yêu cầu không cắt giảm máy móc biên chế giáo viên

Ông Vũ Đức Đam khẳng định, nghị quyết của Chính phủ yêu cầu giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không phải cắt 10% giáo viên.

Tại hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 2/8, đại biểu nhiều tỉnh thành bày tỏ trăn trở về quy định giảm biên chế giáo viên theo Nghị quyết số 19 của Trung ương năm 2017.

Nghị quyết này đặt mục tiêu đến năm 2021 "giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính)".

Nhu cầu học tập tăng, vì sao lại cắt giảm giáo viên?

Phó chủ tịch tỉnh Phú Thọ, ông Hà Kế San phân tích, việc giảm biên chế giáo viên mâu thuẫn với thực tế là tỷ lệ học sinh đến lớp và nhu cầu học tập của các em tăng cao. Theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới, tỷ lệ giáo viên trên một lớp tương lai cũng cao hơn hiện nay. 

Việc giảm biên chế giáo viên được nhiều đại biểu cho là mâu thuẫn với nhu cầu thực tế. Ảnh: Quỳnh Trang.

Việc giảm biên chế giáo viên được nhiều đại biểu cho là mâu thuẫn với nhu cầu thực tế. Ảnh: Quỳnh Trang.

"Phú Thọ có 24.000 cán bộ giáo viên biên chế, nếu cắt 10% thì phải giảm 2.400. Tuy nhiên, chúng tôi lại thiếu giáo viên mầm non gay gắt. Các thầy cô ở bậc này lương đã thấp mà chúng ta lại không cho hợp đồng, trong khi trẻ có nhu cầu đến lớp cao", ông San nói. Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ lấy ví dụ việc 1.400 giáo viên ở Cà Mau bị xem xét cắt hợp đồng và 500 giáo viên Đăk Lăk bị chấm dứt hợp đồng lao động để minh chứng việc giảm biên chế đang gây bức xúc.

Một giải pháp được Phú Thọ đưa ra để vừa giảm được biên chế giáo viên nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu học tập chính đáng của học sinh là chuyển trường công lập thành tư thục. Tuy nhiên khi thực hiện điều này, địa phương bị lúng túng do không có nghị định, thông tư hướng dẫn nào. "Không làm thì không được mà làm thì vi phạm... Chính sách của Nhà nước về giáo dục đang không rõ ràng", ông San nói và đề xuất Chính phủ quy định về vấn đề này.

Hiện Phú Thọ chỉ có trường tư thục ở hệ THPT và mầm non. Với hai bậc học phổ cập giáo dục là tiểu học, THCS, địa phương chưa có trường tư nên không thể tạo điều kiện đưa giáo viên trường công cần giảm biên chế sang giảng dạy.

Giám đốc Sở Giáo dục Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Minh Giang cũng chia sẻ khó khăn của địa phương trong vấn đề nguồn nhân lực. 3 năm qua tỉnh Kiên Giang thiếu 700-1000 biên chế giáo viên, trong khi nguồn học sinh lại tăng cao.

"Quy định là không hợp đồng lao động nếu hết biên chế, nhưng nếu không hợp đồng thì lấy đâu giáo viên dạy để đáp ứng nhu cầu cho người dân... Ngành giáo dục do đó tiếp tục hợp đồng để hỗ trợ người học, nhưng luôn canh cánh không biết làm vậy có vi phạm gì", bà Giang nói.

Nữ giám đốc bức xúc trước việc Bộ Nội vụ khi quyết định giao biên chế giáo viên thì căn cứ vào quy định của Bộ Giáo dục về số lượng giáo viên/lớp. Nhưng quy mô lớp học thực tế hiện nay luôn cao hơn nhiều mức 35 học sinh. Do đó bà Giang đề xuất giao quyền quyết định biên chế nhà giáo cho địa phương để có những tính toán, quyết định phù hợp.

Giảm biên chế nhưng phải đủ giáo viên

Trước băn khoăn của địa phương, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi tổng kết hội nghị đã khẳng định "không có chuyện cắt 10% giáo viên". Việc giảm 10% biên chế là số hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nghĩa là nếu có những đơn vị sự nghiệp trong ngành giáo dục tự chủ được về lương thì sẽ không tính trong biên chế theo nghĩa truyền thống. Mặt khác, việc giảm biên chế này tập trung trước hết vào vị trí gián tiếp còn giáo viên để dạy phải đủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ về việc giảm biên chế giáo viên tại hội nghị Tổng kết năm học của ngành giáo dục. Ảnh: Minh Anh.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ về việc giảm biên chế giáo viên tại hội nghị Tổng kết năm học của ngành giáo dục. Ảnh: Minh Anh.

Ông Đam nhấn mạnh, việc cắt giảm biên chế không được thực hiện máy móc mà phải căn cứ thực tế để cắt ở nơi thừa và tuyển thêm giáo viên cho nơi thiếu. "Năm 2017, lần đầu tiên sau hàng chục năm Bộ Giáo dục đã nắm được tình hình biên chế giáo viên, số lượng thầy cô tại từng trường, trình độ, chuyên ngành đào tạo, phân công công việc. Đây là tiến bộ ban đầu, tạo cơ sở xử lý căn bản vấn đề biên chế giáo viên phù hợp với tình hình thực tế", ông Đam nói.

Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết việc nắm rõ tình hình biên chế là căn cứ tốt để đặt hàng trường sư phạm đào tạo nhân lực theo đúng nhu cầu thực tiễn của từng địa phương, từng cấp học, nhà trường. Hiện nay, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục báo cáo kỹ về vấn đề biên chế giáo viên. Việc nào thuộc quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ giải quyết, thậm chí có những việc nếu cần thiết, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Đam yêu cầu Bộ Giáo dục sớm ban hành văn bản đổi mới quản lý trường phổ thông để các trường có thể tự chủ lương giáo viên. Đây cũng được coi là một cách giảm biên chế

VNExpress

biên chế, giáo viên, cắt giảm biên chế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam


© 2021 FAP
  508,625       1/318