Kinh tế

Đồng Nai sẽ đầu tư hàng loạt hồ chứa nước

Tại Đồng Nai hiện có 17 hồ chứa nước với tổng dung tích 2,865 tỷ m3, nhưng do nhu cầu về nguồn nước mặt trong giai đoạn tới rất lớn nên UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thêm 48 hồ chứa.

Tại Đồng Nai hiện có 17 hồ chứa nước với tổng dung tích 2,865 tỷ m3, nhưng do nhu cầu về nguồn nước mặt trong giai đoạn tới rất lớn nên UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thêm 48 hồ chứa. Dự kiến, tổng nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới các hồ chứa này là hơn 3,7 ngàn tỷ đồng.

Hồ Trị An là hồ chứa nước lớn nhất Đồng Nai với dung tích 2,765 tỷ m3
Hồ Trị An là hồ chứa nước lớn nhất Đồng Nai với dung tích 2,765 tỷ m3. Ảnh: H.Giang

TIN LIÊN QUAN
UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thủy lợi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Theo đó, Đồng Nai sẽ làm thêm 48 hồ chứa nước ở các huyện và TP.Long Khánh. Các hồ được xây dựng với mục đích để tích nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.

* 17 hồ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu

Theo quy hoạch của tỉnh, từ nay đến 2025 và tầm nhìn 2035, chỉ trừ TP.Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch, còn lại các huyện và TP.Long Khánh đều đăng ký làm hồ chứa nước. Có 4 địa phương cần nguồn vốn lớn nhất để làm hồ chứa nước là huyện Xuân Lộc với 1,1 ngàn tỷ đồng; huyện Định Quán khoảng 810 tỷ đồng; huyện Cẩm Mỹ hơn 410 tỷ đồng và huyện Thống Nhất là 380 tỷ đồng. Các hồ sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 17 hồ chứa đang tích nước để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và làm thủy điện. Trong đó, hồ có dung tích nhỏ nhất là 0,3 triệu m3 và lớn nhất là hơn 2,765 tỷ m3. Các hồ có nhiệm vụ tích nước tưới cho các loại cây trồng trong mùa khô và điều tiết lũ trong mùa mưa. Riêng hồ Trị An có mục tiêu chính là làm thủy điện. Trong số đó, có 9 hồ chứa nước có dung tích lớn nằm ở các huyện và có sức chứa từ 3,5 triệu m3 đến 2,765 tỷ m3.

Hồ Trị An hiện là hồ chứa có dung tích lớn nhất tỉnh với khoảng 2,765 tỷ m3 và được tích nước để làm thủy điện. Hồ nằm trải dài qua 4 huyện là Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán và được hoàn thành, đưa vào khai thác gần 32 năm nay. “Ngoài tích nước và sản xuất điện thì hồ Trị An còn có nhiệm vụ điều tiết lũ trong mùa mưa, xả nước để đẩy mặn trong mùa khô và cung cấp nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du thuộc 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh” - ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty thủy điện Trị An cho biết.

Hồ có dung tích lớn thứ 2 là hồ Cầu Mới tuyến VI ở huyện Long Thành với khoảng 21 triệu m3. Hồ được xây dựng cách đây 14 năm để cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Đứng thứ 3 về dung tích là hồ Đa Tôn nằm trên địa bàn xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú), dung tích gần 20 triệu m3, hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 1989. Tiếp đến là hồ Sông Mây ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) có sức chứa gần 14 triệu m3 nước, hồ Gia Ui thuộc xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) gần 13,5 triệu m3...

Hồ Sông Mây đã xây dựng được 38 năm và dự kiến thời gian tới sẽ được trùng tu lại. Ảnh: Hương Giang
Hồ Sông Mây đã xây dựng được 38 năm và dự kiến thời gian tới sẽ được trùng tu lại. Ảnh: Hương Giang

Các hồ chứa nước của Đồng Nai mỗi năm cung cấp nguồn nước tưới cho gần 30 ngàn hécta cây trồng và hàng trăm ngàn mét khối nước cho những nhà máy trong khu công nghiệp, nước sinh hoạt cho người dân trong tỉnh. So với nhu cầu thực tế hiện nay thì các hồ chứa nước mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt.

* Cần thêm nhiều hồ để chứa nước

Hiện có 3 hồ chứa nước đang được thi công là hồ Cầu Dầu, hồ Suối Tre (TP.Long Khánh) và hồ Gia Măng (huyện Xuân Lộc). 3 hồ trên được xây dựng với mục tiêu chính là cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt của địa phương. Trong đó, hồ Gia Măng đã cơ bản hoàn thành và sắp tới sẽ tiến hành tích nước phục vụ tưới cho nhiều diện tích cây trồng của những xã gần hồ.

Vào mùa khô, nhiều nơi trong tỉnh thường thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp như các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất... Do đó, các địa phương chia giai đoạn để thiết kế xây dựng các hồ nhằm để trữ nước, chủ động sản xuất trong mùa khô.

Đồ họa thể hiện sự phân bố của 17 hồ chứa nước trên địa bàn Đồng Nai. (Thông tin: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: HẢI QUÂN)
Đồ họa thể hiện sự phân bố của 17 hồ chứa nước trên địa bàn Đồng Nai. (Thông tin: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, trong tương lai gần, nguồn nước mặt, nước ngầm ngày càng khan hiếm, những hồ có sẵn không đáp ứng đủ nhu cầu cấp nước của các huyện và TP.Long Khánh, vì thế tỉnh đã sớm quy hoạch thêm nhiều hồ chứa nước, đập dâng để trữ nước cho mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: “Huyện Xuân Lộc được quy hoạch thêm khoảng 8 hồ chứa nước ở các xã trong giai đoạn tới. Các hồ sẽ được đầu tư theo từng năm để đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của địa phương”. Cũng theo ông Linh, người dân tại các xã rất ủng hộ việc quy hoạch và làm thêm các hồ mới vì nguồn nước ngầm, nước mặt những năm gần đây vào mùa khô sụt giảm mạnh và nhiều nơi có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất.

Tương tự, các huyện có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn cũng được quy hoạch thêm nhiều hồ chứa nước như: Định Quán khoảng 17 hồ, Cẩm Mỹ 6 hồ, Tân Phú 6 hồ, Thống Nhất 5 hồ... Thực tế, khoảng 5 năm trở lại đây, thời tiết dần trở nên khắc nghiệt hơn, mùa khô thường xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài, lượng mưa trái mùa ít nên nhiều vùng bị thiếu nước sản xuất, dẫn đến năng suất cây trồng giảm. Do đó, hệ thống hồ chứa cần được bổ sung đầy đủ để có nước tưới, giúp nông dân tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, đảm bảo nước sinh hoạt...

* Ưu tiên vốn để làm hồ

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Hồ chứa nước, đường giao thông là những công trình mà khi xây dựng xong sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người dân hoặc tạo ra hiệu quả kinh tế cao, do đó cần được ưu tiên vốn để thực hiện. Đầu tư các hồ chứa nước sẽ rất tốt cho tương lai vì nhu cầu về nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt ngày một lớn. Các hồ chứa còn giúp điều tiết khí hậu những vùng xung quanh”.

Hệ thống hồ chứa nước ở Đồng Nai được quy hoạch xây dựng trong những năm tới có diện tích từ 5-40 hécta/hồ nên ít ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác xung quanh.

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phân tích: “Các hồ chứa nước còn có tác dụng giữ mực nước ngầm ở những khu vực xung quanh ổn định và không bị sụt giảm nhanh trong mùa khô. Đồng thời, có hồ chứa người dân trong vùng ít khai thác nước ngầm, như vậy sẽ giữ lại được tài nguyên nước cho tương lai”.

Trong giai đoạn tới, Đồng Nai dự kiến sẽ có thêm khoảng 10 khu công nghiệp (gồm 1 khu công nghiệp đang xây dựng hạ tầng, 3 khu công nghiệp đang mời gọi nhà đầu tư và 6 khu công nghiệp sẽ đưa vào quy hoạch), theo đó, nhu cầu về nước để sử dụng cho sản xuất, sinh hoạt khá lớn. Vì thế, tỉnh quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước tại những nơi phù hợp sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,108,093       4/1,024