Kinh tế

Sẽ quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp

Hiện các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Đồng Nai đã gần lấp đầy diện tích, ngoài việc mở rộng các KCN thì tỉnh dự kiến quy hoạch thêm khoảng 8 KCN cho giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2050. Trong giai đoạn tới, nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh còn rất lớn.

Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam ở Khu công nghiệp  Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2  ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng rất ít lao động
Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng rất ít lao động

Thông tin từ UBND tỉnh, có 6 địa phương đề xuất tỉnh bổ sung quy hoạch KCN cho giai đoạn tới là các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch và TP.Long Khánh. Diện tích mỗi KCN từ 200-900 hécta. Hiện UBND tỉnh đang tổng hợp để trình Ban TVTU thông qua. 

* Nhu cầu đất công nghiệp tăng mạnh

Trong bản đồ quy hoạch KCN Việt Nam được Chính phủ phê duyệt thì Đồng Nai có 35 KCN. Trong đó, có 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN đang xây dựng hạ tầng và 3 KCN đang mời gọi nhà đầu tư, hoàn tất thủ tục để tiến hành làm hạ tầng. Nếu Ban TVTU thông qua việc quy hoạch thêm các KCN mới thì Đồng Nai sẽ có khoảng 43 KCN nằm ở các huyện, thành phố.

Những KCN dự kiến được đưa vào quy hoạch tập trung ở huyện Long Thành, nơi trong tương lai có khá nhiều lợi thế về giao thông đường bộ, đường hàng không và đường thủy.

Hiện nay, Đồng Nai đã có gần 1 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Việc mở thêm nhiều KCN sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng đi kèm theo là áp lực về hạ tầng giao thông, nhà ở, trường học, cơ sở y tế… Đây là những việc UBND tỉnh phải tính toán kỹ trước khi mở ra các KCN mới.

Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức cho biết: “Long Thành đề xuất đưa vào quy hoạch 4 KCN trong giai đoạn tới để đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện. Trong đó, xã Phước Bình sẽ có thêm 2 KCN, một khu rộng gần 900 hécta và một khu khoảng 500 hécta. Hai xã Tân Hiệp, Bình An, mỗi xã sẽ có thêm một KCN. Các KCN trên đều có doanh nghiệp đề xuất sẽ làm chủ đầu tư để đầu tư hạ tầng”.

Cũng theo ông Võ Tấn Đức, huyện Long Thành có những ưu điểm để mở rộng đất công nghiệp trong thời gian tới và sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến. Trong tương lai, huyện sẽ có hàng loạt những công trình giao thông lớn được xây dựng và đi vào khai thác như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3... Huyện Long Thành hiện đã có 6 KCN, nếu 4 KCN trên được phê duyệt thì huyện sẽ là nơi xếp thứ hai trong tỉnh về số KCN (chỉ sau huyện Nhơn Trạch).

Theo ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, huyện đề xuất thêm KCN ở xã Xuân Thiện với diện tích khoảng 200 hécta. Khu này giáp với KCN Suối Tre của TP.Long Khánh. Bên cạnh đó, huyện Cẩm Mỹ đưa vào quy hoạch KCN ở xã Xuân Quế, huyện Nhơn Trạch thêm một KCN tại xã Phước An và TP.Long Khánh sẽ có thêm một KCN ở xã Hàng Gòn.

* Hướng đến công nghiệp công nghệ cao

Dư địa để phát triển KCN của Đồng Nai hiện vẫn còn, nhưng tỉnh sẽ tính toán kỹ để đưa ra các tiêu chí cho phù hợp với quy định của Chính phủ và điều kiện của địa phương.

Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết, sắp tới có thể UBND tỉnh sẽ họp bàn về việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các KCN mới. Việc mở ra nhiều KCN cho giai đoạn tới là cần thiết, nhưng sẽ phải tính toán đến nguồn lao động cho phù hợp, nếu không sẽ bị thiếu hụt. Thực tế, lao động ngày càng khan hiếm vì các tỉnh, thành khác cũng xây dựng thêm nhiều KCN, khu chế xuất, cụm công nghiệp. “Đối với các KCN của Đồng Nai được xây dựng mới trong thời gian tới thì sẽ thu hút đầu tư ở những lĩnh vực tỉnh ưu tiên và yêu cầu nhà đầu tư phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm bớt lao động chân tay” - ông Cao Tiến Sỹ nhấn mạnh.

Trong những KCN đề xuất xây dựng mới, có 2 khu chuyên phát triển lĩnh vực logistics nằm ở 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Dự tính, 1 KCN chuyên về logistics thuộc địa bàn xã Phước Bình (huyện Long Thành) sẽ chuyên phục vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành. KCN xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) sẽ là KCN chuyên dịch vụ logistics cho Cảng Phước An.

Huyện Nhơn Trạch hiện đã có 10 KCN, nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn nên xây dựng Cảng Phước An và phát triển các KCN logistics khu vực gần cảng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Theo các chuyên gia về kinh tế, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thì chi phí sẽ rẻ hơn nhiều so với đường bộ, đồng thời giảm được gánh nặng cho giao thông đường bộ.

Khánh Minh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,107,418       4/1,024