Kinh tế

'Sóng gió' làng nghề

Đồng Nai có khá nhiều làng nghề truyền thống như: gốm, mộc mỹ nghệ, đúc gang, điêu khắc đá, làm trầm, trồng và chế biến nấm, mây tre đan... Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào hội nhập quốc tế sâu rộng, các làng nghề này trải qua không ít "sóng gió". Có những làng nghề được bảo tồn và phát triển khá tốt, nhưng cũng có làng nghề phải thu hẹp dần và thậm chí biến mất vì những khó khăn khách quan lẫn khó khăn nội tại.

Đồng Nai có khá nhiều làng nghề truyền thống như: gốm, mộc mỹ nghệ, đúc gang, điêu khắc đá, làm trầm, trồng và chế biến nấm, mây tre đan... Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào hội nhập quốc tế sâu rộng, các làng nghề này trải qua không ít “sóng gió”. Có những làng nghề được bảo tồn và phát triển khá tốt, nhưng cũng có làng nghề phải thu hẹp dần và thậm chí biến mất vì những khó khăn khách quan lẫn khó khăn nội tại.

Nghề làm bánh tráng gạo ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) đã gần bị “xóa sổ”
Nghề làm bánh tráng gạo ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) đã gần bị “xóa sổ”. Ảnh:H.Giang

Trải qua nhiều thập niên, có những làng nghề tại Đồng Nai đã dần bị “xóa sổ”, chỉ còn trong hoài niệm của những người dân Biên Hòa - Đồng Nai như: đúc đồng, đất nung, dệt vải, dệt chiếu (TP.Biên Hòa) hoặc hoạt động rất cầm chừng như nghề làm bánh tráng, nấu đường (huyện Vĩnh Cửu)...

Bài 1: Nhiều làng nghề bị “xóa sổ”

Những nghề truyền thống trên xuất hiện ở Đồng Nai từ 80-200 năm. Trong quá trình phát triển, các làng nghề trên không trụ được đã mai một và mất dần.

* Nhiều nghề truyền thống không còn

Tìm hiểu các ghi chép về Đồng Nai cho thấy, nghề đúc đồng xuất hiện ở phường Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cách đây gần 2 thế kỷ. Khi ấy các cơ sở đúc đồng làm ra những sản phẩm là: ấm, nồi, chiêng, chuông, thau, đĩa, lư hương, giá nến... Sản phẩm làm ra được đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Sau đó, nghề đúc đồng được mở rộng ra một số nơi khác thuộc phường Bửu Hòa. Đến giữa thế kỷ 20, nghề đúc đồng dần mai một và đến nay không còn nữa.

Bà Lê Thị Tám ở phường Hiệp Hòa kể lại: “Tôi có nghe nói, nghề đúc đồng có ở Cù lao Phố từ đầu thế kỷ 19 và lúc đầu chỉ có vài cơ sở, sau được mở rộng dần. Nghề đúc đồng phát triển mạnh nhất là thời kỳ đầu thế kỷ 20, lúc đó vùng này có hơn 20 cơ sở đúc đồng. Sản phẩm rất phong phú, đến nay một số đình, chùa ở Biên Hòa còn giữ lại được những lư hương, giá nến bằng đồng do các nghệ nhân làm ra”.

Năm 1902, khi Trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai) được thành lập, đúc đồng là một trong những nghề được mở lớp đào tạo đầu tiên. Nhiều sản phẩm làm từ đồng ở Đồng Nai đã được đưa sang Pháp, Thái Lan, Nhật Bản... tham dự các cuộc triển lãm và từng đoạt giải cao.

Tương tự, nghề dệt vải, dệt chiếu cũng từng có mặt ở các phường Hiệp Hòa, Tân Mai, Hố Nai (TP.Biên Hòa) nhưng đến nay gần như đã “vắng bóng”.

TS.Nguyễn Thị Nguyệt, Giảng viên Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh (người có nhiều nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Đồng Nai) cho biết: “Trước đây, nghề dệt chiếu, dệt vải rất phát triển, nhưng dần dần những nghề truyền thống làm thủ công không còn cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại làm bằng máy móc nên đã mai một dần”.

Nghề đất nung xuất hiện ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) vào khoảng năm 1940 do người dân Quảng Ngãi di dân vào mang theo nghề truyền thống. Sản phẩm làm từ đất nung có nồi, bếp, chậu trồng hoa cảnh... Tuy nhiên, nghề này chỉ tồn tại được khoảng nửa thế kỷ, sau đó thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và không cạnh tranh được nên các cơ sở đã đóng cửa, chuyển nghề. Nghề đất nung ở Bửu Long hiện không còn.

* Nuối tiếc làng nghề đặc sản

Huyện Vĩnh Cửu là nơi nổi tiếng với nghề truyền thống làm ra những đặc sản như: bánh tráng gạo ở xã Thạnh Phú, nấu đường tại xã Bình Lợi... Những sản phẩm này từng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Trong đó, nghề làm bánh tráng gạo có từ cách đây gần 100 năm và tập trung ở ấp 2, 3 xã Thạnh Phú. Vào thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nghề làm bánh tráng ở đây khá phát triển với gần 100 cơ sở, hộ gia đình tham gia sản xuất. Sản phẩm làm ra được nhiều đại lý trong tỉnh, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương đặt hàng với số lượng lớn. Thế nhưng, hơn 6 năm trở lại đây, thấy nghề làm bánh tráng gạo vất vả, thu nhập lại thấp nên nhiều gia đình, cơ sở đã bỏ nghề chuyển sang làm việc khác. Hiện ở ấp 3 chỉ còn lại 1-2 hộ làm bánh tráng gạo thủ công với số lượng rất ít.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, ấp 2, xã Thạnh Phú nói: “Nghề làm bánh tráng gạo thủ công rất cực khổ, buổi sáng phải thức dậy từ 2-3 giờ để làm việc, vất vả cả ngày nhưng thu nhập chỉ từ 70-80 ngàn đồng/ngày. Vì thế hầu hết các gia đình, cơ sở đều bỏ nghề”. Làng nghề tồn tại gần một thế kỷ, đã không còn để lại tiếc nuối cho nhiều người.

Nghề nấu đường ở xã Bình Lợi không có thâm niên lâu như nghề làm bánh tráng nhưng cũng tồn tại gần nửa thế kỷ. Lúc cao điểm có hơn 30 lò hoạt động. Sản phẩm là đường vàng thô, thị trường tiêu thụ trong tỉnh, TP.Hồ Chí Minh, miền Tây và miền Trung.

Đường Bình Lợi từng nổi danh một thời vì chất lượng, mùi vị thơm ngon hơn hẳn đường nấu thủ công từ những nơi khác. Thế nhưng, sau này nhiều nhà máy đường mở ra, đường ngoại tràn vào, giá thấp hơn 5-7 ngàn đồng/kg so với đường nấu thủ công nên thị trường tiêu thụ của làng nghề nấu đường bị thu hẹp dần. Bên cạnh đó, lao động làm việc trong các lò đường ngày càng khan hiếm nên chủ nhiều lò đường đã đóng cửa.

Ông Lê Văn Mười, ấp 3, xã Bình Lợi chia sẻ: “Tôi từng có gần 40 năm gắn bó với nghề nấu đường thủ công, nhưng 3-4 năm trở lại đây, nghề nấu đường thường xuyên thua lỗ lại khó kiếm nhân công nên đành phải bỏ nghề. Hiện tôi đã chuyển những diện tích trồng mía nấu đường sang trồng bưởi, thu nhập cao gấp 8-10 lần trồng mía, nấu đường”. Nghề nấu đường của Bình Lợi chỉ còn trong ký ức của nhiều người.

Ngoài ra, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) ngày xưa nổi tiếng với nghề làm bánh bèo, song hiện tại chỉ còn 2-3 gia đình còn giữ được nghề. Tuy nhiên, những người đang còn theo nghề đã lớn tuổi, số lượng sản phẩm làm ra rất ít và rất khó bảo tồn, phát triển.

Hương Giang

Bài 2: Làng nghề chật vật thời hội nhập

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,098,181       1/927