Văn hóa

"Làm mới" sân khấu cải lương

Thời gian gần đây, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã có nhiều tìm tòi, thử nghiệm trong việc làm mới sân khấu cải lương khi xây dựng nhiều vở diễn mới, đề tài hay với mong muốn cải lương - "đặc trưng" nghệ thuật của Nam bộ hồi sinh và phát triển, đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Thời gian gần đây, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã có nhiều tìm tòi, thử nghiệm trong việc làm mới sân khấu cải lương khi xây dựng nhiều vở diễn mới, đề tài hay với mong muốn cải lương - “đặc trưng” nghệ thuật của Nam bộ hồi sinh và phát triển, đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Một cảnh trong vở cải lương Niềm khát ra mắt vào tháng 7-2019
Một cảnh trong vở cải lương Niềm khát ra mắt vào tháng 7-2019

Không phải ngẫu nhiên mà trung tuần tháng 4 vừa qua, Hội đồng Anh (trong dự án Di sản kết nối) đã chọn làm việc và ghi hình tư liệu tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Hầu hết các thành viên của Hội đồng Anh đã có những đánh giá cao về sân khấu cải lương Đồng Nai.

* Làm mới cải lương

Nhà nghiên cứu văn hóa Hugo Frey, giảng viên Trường đại học Chichester (Anh) nói rằng, ông rất ấn tượng và tâm đắc với các vở diễn của cải lương Đồng Nai. Hugo Frey nhấn mạnh khâu làm mới cải lương, đưa cải lương tiếp cận với khán giả trẻ của nhà hát là phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Kịch bản mở đầu cho sự thể nghiệm đề tài cải lương mới của nhà hát có thể kể đến là vở Hồi sinh (tác giả kịch bản NSƯT Đồng Thị Quế Anh, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu). Hồi sinh đề cập đến vấn đề hoàn toàn mới là hiến mô tạng và đấu tranh phòng chống tội phạm. Đây là những vấn đề “nóng” đang được xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, vở diễn còn lồng ghép câu chuyện về gia đình, về tình yêu đôi lứa, nhắc nhở con người tỉnh táo trước dục vọng bản thân, biết hy sinh vì lợi ích chung của cộng đồng, vì những giá trị đạo lý tốt đẹp.

Chào mừng kỷ niệm 10 năm (2009-2019) Ngày Sân khấu Việt Nam (12-8 âm lịch), Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Liên chi Hội Sân khấu miền Đông, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật Hội ngộ nghệ sĩ miền Đông tại Đồng Nai. Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 30 ngày 7-9 tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Trong chương trình, sẽ có các trích đoạn sân khấu tiêu biểu của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, các tiết mục tân cổ giao duyên, ảo thuật, ca múa dân gian, dân tộc phục vụ khán giả trên địa bàn tỉnh.

Sau công diễn và tham gia Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018 tại Long An, vở Hồi sinh đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Trong đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã tiến hành thu và phát sóng rộng rãi trong cả nước. Cùng với đó, Đoàn cải lương Hải Phòng đã sử dụng kịch bản này dàn dựng lại để tham gia các hội thi, biểu diễn phục vụ người dân.

Mới đây, nhà hát tiếp tục công diễn vở cải lương Niềm khát thu hút khá đông người xem không chỉ bởi nội dung hấp dẫn mà còn ở phong cách dàn dựng hoàn toàn mới mẻ, diễn xuất tốt, tạo được ấn tượng với khán giả. Vở diễn kể câu chuyện về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của những robot, nhất là những giằng xé trong tâm hồn của những người làm công tác nghiên cứu khoa học chân chính. Vở diễn hiện đã đăng ký tham gia Liên hoan sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ 4 vào tháng 10 tới tại Hà Nội.

Nói về việc đổi mới sân khấu cải lương trong thời kỳ mới, NSƯT Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai thẳng thắn nhìn nhận, sân khấu cải lương truyền thống những năm gần đây đang thiếu vắng khán giả, nhất là khán giả trẻ. Và muốn thu hút khán giả không còn cách nào khác là phải tập trung đổi mới, mạnh dạn thử nghiệm, kể cả đưa diễn viên trẻ, diễn viên mới vào vai diễn để đánh giá chân thực, khách quan, không lệ thuộc vào lối mòn sẵn có.

“Với những tác phẩm bất hủ đã được dàn dựng và đi vào lòng người của mấy mươi năm về trước, nhà hát chưa nghĩ sẽ “làm mới” lại. Hiện nay, nhà hát muốn đổi mới bằng cách sáng tạo những kịch bản mới, phù hợp với xu thế, với cuộc sống mới. Cải lương chỉ thật sự gần gũi khi người xem cảm thấy bóng dáng của chính mình trong những câu chuyện và như vậy họ sẽ không bao giờ bỏ rơi sân khấu” - NSƯT Quế Anh chia sẻ.

* Đẩy mạnh tiếp cận khán giả

Có dịp xem các vở diễn cải lương gần đây của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, những ai nghĩ rằng sân khấu truyền thống đang bị “lu mờ” bởi những loại hình nghệ thuật hiện đại sẽ phải thay đổi suy nghĩ, đặc biệt là nhận định về khán giả của cải lương. Những đêm công diễn cải lương tại nhà hát hoặc những buổi biểu diễn tại cơ sở và các huyện vùng xa, không chỉ có khán giả đã ở lứa tuổi xế chiều, tóc đã hoa râm mà ngay cả những người trẻ, học sinh cũng đến xem, chăm chú theo dõi và cổ vũ diễn viên.

Gần đây, nhà hát đã thay đổi tích cực, tiếp cận khán giả bằng việc giới thiệu thông tin về buổi diễn, cập nhật thường xuyên các vở diễn trên Zalo, Facebook. Đây là cách quảng bá cải lương phù hợp với xu thế, tạo ra sự lan tỏa rộng trong cộng đồng. Đặc biệt, nhà hát có sự hậu thuẫn, giúp sức từ các nghệ sĩ bắt kịp xu hướng về công nghệ, chủ động kết hợp với các tác giả, đạo diễn… khéo léo trong phá cách để cải lương đến với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ.

NSƯT Đồng Thị Quế Anh cho biết: “Sắp tới, ngoài tổ chức thực hiện các buổi diễn về cơ sở, chúng tôi sẽ tăng cường thông tin trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội về nghệ thuật cải lương của Đồng Nai. Chúng tôi cũng sẽ đưa những trích đoạn, những vở diễn hay lên trang YouTube để những người yêu nghệ thuật cải lương trong và ngoài nước biết đến”.

Trong bối cảnh sân khấu truyền thống nói chung đang thiếu vắng người xem, thật đáng mừng khi Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã chú trọng đổi mới nhằm mang đến làn gió mới cho nghệ thuật cải lương. Ðiều này cho thấy sự đam mê, tâm huyết của các nghệ sĩ với nghệ thuật truyền thống. Ðặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Ðồng Nai đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển nền văn hóa bắt kịp với xu hướng phát triển của công nghệ hiện đại nhưng không để mất đi bản sắc văn hóa Biên Hòa - Ðồng Nai 320 năm hình thành và phát triển.

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  627,955       1/1,219