Văn hóa

Người Chính ủy 'đời đầu 51' và hồi ký Con đường tôi đi

Hơn 10 năm nghỉ hưu về với đời thường, Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường sĩ quan lục quân 2 (Trường đại học Nguyễn Huệ), người mà chúng tôi thường gọi vui là Chính ủy "51 đời đầu" vừa cho ra mắt cuốn hồi ký Con đường tôi đi.

Hơn 10 năm nghỉ hưu về với đời thường, Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường sĩ quan lục quân 2 (Trường đại học Nguyễn Huệ), người mà chúng tôi thường gọi  vui là Chính ủy “51 đời đầu” vừa cho ra mắt cuốn hồi ký Con đường tôi đi.

Bìa sách Con đường tôi đi
Bìa sách Con đường tôi đi

Sống và làm việc cùng ông bao nhiêu năm, nhưng cũng phải đến khi ông trải lòng vào những trang hồi ký Con đường tôi đi, chúng tôi mới thấu hiểu phần nào chặng đường gian truân chinh chiến hơn 8 năm tại chiến trường Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và nước bạn Lào anh em; mới thấu hiểu mấy chục năm ròng ông gắn bó, công tác ở Trường sĩ quan lục quân 2 - cái nôi đào tạo ra hàng vạn sĩ quan, bổ sung nguồn lực đáng kể cho quân đội ta; mới thấu hiểu phần nào những trăn trở, chăm lo, góp công sức xây dựng làng quân nhân Lục quân 2 có hệ thống điện, đường, trường, trạm khá nổi bật tại địa bàn đóng quân và tiêu biểu cho một mô hình khu gia đình quân nhân văn hóa của toàn quân như hiện nay.

* Hành trình cùng đồng đội

Từ làng quê nghèo thuộc xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An), lớp thanh niên như Nguyễn Viết Khai hừng hực nhiệt huyết, bước vào quân ngũ với áo nâu, chân đất, đầu trần không một chút đắn đo, do dự. Ba lần vượt Trường Sơn nắng lửa, mưa nguồn, bão đạn không làm ông chùn bước. Đặc biệt, trận giáp mặt chiến đấu đầu tiên tại bản Thẳm (phía Bắc Ma-hay-xay, Trung Lào) ngay ngày đầu sau đợt huấn luyện tân binh năm 1965. Ấy là cuộc giao chiến vô cùng khốc liệt với địch của chàng thanh niên vừa tròn 18 tuổi. Với vai trò xạ thủ đại liên, ông cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường, dũng cảm trong vòng vây lửa đạn của quân thù.

Hồi ký Con đường tôi đi của Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai dày 470 trang, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. Sách có 6 chương, bao gồm nhiều nội dung hết sức đặc sắc, là những bài học kinh nghiệm cho nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhất là các thế hệ học viên đào tạo sĩ quan chính trị, sĩ quan chỉ huy cấp phân đội có thể làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu giảng dạy...

Không dừng ở đó, hành trình chiến đấu suốt 8 năm trời tại hầu hết địa bàn rừng núi trọng điểm chiến trường Lào, những cuộc hành quân gian khổ, những trận chiến đấu không cân sức, giành giật từng ụ súng, mô đất, bìa suối, cánh rừng giữa ta và địch, những lần luồn rừng truy kích; những cuộc giải cứu, chăm sóc, canh giữ thương binh, tử sĩ, bảo toàn lực lượng, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao… mà người chiến sĩ trẻ như ông đã bền gan chịu đựng, vượt qua.

Không một khó khăn, gian khổ nào có thể khuất phục được ông và đồng đội. Hồi ký Con đường tôi đi tái hiện hình ảnh chân thực, gần gũi, đầy xúc động về tình bạn chiến đấu, về hậu phương, về mẹ, người yêu, vợ và những đứa con; về sự tàn khốc của chiến tranh.

Hồi ký Con đường tôi đi cũng rút ra và cho thấy những bài học xương máu về chiến thuật, nhất là chiến thuật cấp phân đội; về khả năng tác chiến của bộ đội ta; về yếu tố đảm bảo bí mật, bất ngờ, khôn khéo lừa dụ địch, tinh thần chiến đấu quả cảm và ý chí quyết tâm cao độ của cán bộ, chiến sĩ đơn vị ông được rút ra trong quá trình tác chiến, trong tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị ở cấp phân đội hết sức sâu sắc. Những bài học đó sẽ được cảm nhận một cách đầy đủ, tự rút ra cho người đọc qua hồi ký Con đường tôi đi, đem vận dụng vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, giáo dục, huấn luyện, rèn luyện bộ đội ở cấp phân đội hiện nay rất thiết thực.

Tuy nhiên, như ông thú nhận: “Tập sách này tôi viết cho mình, cho đồng đội mình. Viết không phải để kể công mà là để cho những ngày tháng đã qua không trở thành hoang vu mà thôi!”.

Con đường tôi đi không nói nhiều về mình mà dày công nói về đồng đội. Trái tim thúc giục ông cũng chỉ vì: “Nhiều đêm tôi lại mơ thấy chiến tranh, hình ảnh đồng đội tôi trong vòng vây lửa đạn kẻ thù, chia nhau từng viên đạn, nắp bình tông nước, từng nắm thóc rang… để có sức chiến đấu”. Về “những đồng đội hy sinh, thân thể chẳng còn vẹn hình, chưa tìm thấy hài cốt, có người chở che cho mình sống cứ ám ảnh tâm trí…”.

* Cần mẫn góp sức mình

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai có mặt tại Trường sĩ quan lục quân 2 ngay sau ngày miền Nam giải phóng. Hơn 30 năm tiếp tục chặng đường binh nghiệp gắn bó với sự nghiệp đào tạo sĩ quan là bấy nhiêu năm những kinh nghiệm tổ chức chỉ huy chiến đấu và tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị được ông áp dụng vào thực tế sâu sắc, hiệu quả. Chỉ nói về bài học làm thầy giáo quản giáo ngay sau giải phóng miền Nam trên mảnh đất Tây Ninh cũng đủ minh chứng cho tác phong bình tĩnh, tự tin, điềm đạm, sắc sảo của con người ông.

Là cán bộ trưởng thành giữa hai thời kỳ chiến tranh và hòa bình, ông thấu hiểu bộ đội nghĩ gì và muốn gì trong lúc gian khổ, ác liệt, trong hoàn cảnh đất nước và quân đội gặp khó khăn về kinh tế - xã hội, vấn đề “an cư lạc nghiệp”, hợp thức hóa gia đình, “giữ đội ngũ cán bộ, giảng viên”, rồi đến lo công ăn việc làm... Không dễ gì ở một trường đào tạo sĩ quan cấp phân đội mà góp công sức, tạo quỹ đất, trích quỹ phúc lợi xã hội, vận động xây dựng được những hai nhà trẻ mẫu giáo, trường tiểu học, THCS rồi THPT… cho con em của cán bộ, giảng viên có cơ hội được học hành bằng trang lứa.

Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội ta là những vấn đề rất lớn. Một thời kỳ dài quân đội ta thực hiện cơ chế 07 rồi đến cơ chế 27, những cán bộ kinh qua trận mạc như ông thấu hiểu và không ít trăn trở về vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Khi thực hiện cơ chế 51 (Nghị quyết số 51/NQ/TW ngày 20-7-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam), ông đang là Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng về chính trị, lại trở thành Bí thư Đảng ủy, Chính ủy nhà trường.

Là cán bộ thế hệ “đời đầu” thực hiện cơ chế 51, ông đã cùng tập thể Đảng ủy vận hành hiệu quả, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho lớp cán bộ kế cận và kế tiếp học tập, noi theo.

Đọc hồi ký Con đường tôi đi, chúng tôi nhận thấy vị tướng nhân từ, đức độ, bao dung, một cán bộ quân đội kiên trung, một chính ủy “đời đầu” cơ chế “51” chỉn chu, nghiêm túc. Tuy vậy, lòng ông còn trĩu nặng, đau đáu với những bạn bè, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, cuộc đời kém may mắn, nhất là những người vợ, người mẹ đến nay chưa tìm thấy hài cốt chồng, con mình.

Hơn 40 năm công tác trong quân ngũ, hơn 10 năm về với đời thường, ông vẫn cần mẫn góp sức mình mong làm vơi phần nào cho những hoàn cảnh, thân phận như thế…

Nguyễn Minh Đức

Đồng Nai

© 2021 FAP
  797,600       4/1,201