Văn hóa

Nghệ sĩ Phạm Văn Út: Người kể chuyện điêu khắc

Gắn bó với nghề điêu khắc gần 30 năm, nghệ sĩ Phạm Văn Út (KP.6, phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa) đã sáng tạo ra hàng trăm tác phẩm điêu khắc độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao. Tiêu biểu là những bức tượng danh nhân văn hóa và lịch sử như: tượng cố Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Bá Ước, tượng Vua Hùng, Hai Bà Trưng…

Gắn bó với nghề điêu khắc gần 30 năm, nghệ sĩ Phạm Văn Út (KP.6, phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa) đã sáng tạo ra hàng trăm tác phẩm điêu khắc độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao. Tiêu biểu là những bức tượng danh nhân văn hóa và lịch sử như: tượng cố Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Bá Ước, tượng Vua Hùng, Hai Bà Trưng…

Nghệ sĩ Phạm Văn Út thực hiện các thao tác trên máy in 3D AK. Ảnh: MY NY
Nghệ sĩ Phạm Văn Út thực hiện các thao tác trên máy in 3D AK. Ảnh: MY NY

Bước vào căn nhà nghệ sĩ Phạm Văn Út, chúng tôi như lạc vào một “bảo tàng” tư nhân với rất nhiều tranh, tượng, tác phẩm nghệ thuật đủ kích cỡ, kiểu dáng.

* Hành trình sáng tạo

Ngắm các tác phẩm đẹp mắt và tinh tế như tranh treo tường chủ đề múa lân, tượng điêu khắc David - một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc thời Phục Hưng… nếu không được nghe nghệ sĩ Phạm Văn Út giới thiệu thì khó có thể biết được rằng những tác phẩm độc đáo, tinh xảo ấy được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, trong đó có sợi nhựa công nghiệp ABS, PLA.

Kể về bản thân mình, nghệ sĩ Phạm Văn Út bộc bạch rằng, ông sinh năm 1970 ở Bình Định. Tốt nghiệp THPT, có thời gian học điêu khắc (lớp trung cấp) tại Đồng Nai, sau đó tiếp tục học điêu khắc tại Trường đại học nghệ thuật Huế, rồi tham gia các hoạt động sáng tác ở Hội Văn học nghệ thuật Bình Định. Phải đến năm 2006, ông mới chuyển vào Biên Hòa và công tác tại Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ông được phân công dạy đồ họa, một thời gian sau mới chuyển sang Khoa Điêu khắc.

Ngoài giảng dạy và sáng tác, nghệ sĩ Phạm Văn Út rất say mê nghiên cứu. Năm 2017, ông bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, chuyên ngành lý luận và lịch sử mỹ thuật ứng dụng. Với mong muốn chuyên tâm sáng tác và theo đuổi đam mê, tháng 7-2019, ông xin nghỉ dạy rồi về tiếp quản và điều hành Công ty TNHH điêu khắc số Anh Tú của gia đình.

Nhắc tới ứng dụng công nghệ trong điêu khắc, rất nhiều nghệ sĩ ở Đồng Nai nói rằng, Phạm Văn Út chính là người đầu tiên dùng công nghệ in 3D vào tác phẩm. Kể về cơ duyên này, nghệ sĩ Phạm Văn Út cho biết, cách đây 10 năm, cũng như các nghệ sĩ khác, ông thực hiện tác phẩm điêu khắc bằng thủ công. Ban ngày đi dạy, ban đêm đục, đẽo. Do sống trong khu dân cư, tiếng động phát ra lớn nên người dân xung quanh thường xuyên phàn nàn, có lúc họ gọi ông ra nhắc nhở.

“Để không làm ảnh hưởng đến mọi người, tôi mới lên các trang mạng tìm hiểu xem có công nghệ gì có thể làm giảm tiếng ồn hay không. May mắn, một người bạn ở TP.Hồ Chí Minh đã giới thiệu, đồng ý viết phần mềm, lắp ráp cho tôi chiếc máy in 3D” - ông Út bộc bạch.

Chiếc máy in 3D ấy có hiệu AK được ông Út cho biết là một trong những chiếc máy đầu tiên sản xuất ở Việt Nam với giá hơn 60 triệu đồng. Máy in 3D đã giúp ông rút ngắn thời gian thực hiện tác phẩm, mà hơn hết không còn tiếng ồn làm ảnh hưởng khu dân cư. Từ đây, hàng trăm tác phẩm điêu khắc mới được ông Út lên ý tưởng, tạo hình trên máy tính và in trực tiếp trên các chất liệu nhựa.

Ngoài máy in 3D AK, nghệ sĩ Phạm Văn Út còn mua thêm một máy in 3D mới kích cỡ gấp 10 lần máy cũ để đẩy nhanh thời gian thực hiện các đơn hàng. Nếu như trước đây, để hoàn thành một tác phẩm thủ công, ông mất vài tháng để thực hiện thì nay với công nghệ này, ông chỉ mất vài ngày, có khi vài tuần (với tác phẩm kích thước lớn). Sau khi in xong tại nhà, ông chuyển tác phẩm lên xưởng gia công ở Bình Dương, thực hiện công đoạn lắp ráp các bộ phận và xử lý phần thô, tạo màu sắc cho phù hợp.

* Cuộc “hóa thân” của điêu khắc

“Hoạt động lĩnh vực nghệ thuật đã lâu, bạn bè động viên tôi mở triển lãm cá nhân về in điêu khắc 3D. Tôi cũng đang cố gắng thực hiện để mở triển lãm cho riêng mình. Biết đâu từ triển lãm, công nghệ in 3D trong điêu khắc sẽ được ứng dụng nhiều hơn Đồng Nai và lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng” - nghệ sĩ Phạm Văn Út chia sẻ.

Tác phẩm của nghệ sĩ Phạm Văn Út sau khi ra đời được trưng bày ở bảo tàng, di tích hay công viên… đã chinh phục những người “mộ điệu” nghệ thuật in điêu khắc 3D. Chẳng hạn như: Tượng Vua Hùng đặt tại Công viên văn hóa Đầm Sen (TP.Hồ Chí Minh), tượng về đàn lợn trưng bày tại Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa) trong dịp mừng Xuân Kỷ Hợi 2019… Và rất nhiều tác phẩm đã và đang tiếp tục được hóa thân để đi vào cuộc sống, tự nhiên như hơi thở.

Mỗi một “đứa con tinh thần” ra đời, để lại cho nghệ sĩ Phạm Văn Út nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, đáng nhớ nhất với ông vẫn là lần tạo hình chân dung cố Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Bá Ước (Bảy Ước).

Ông Út nhớ lại: “Lúc chú Bảy Ước đang nằm trên giường bệnh ở bệnh viện, tôi đã đến thăm và mang theo bức chân dung phác họa trên máy tính cho chú xem. Lúc đó, chú không nói được thành tiếng nhưng vẫn còn minh mẫn. Chú lấy tay chỉ vào chiếc cúc áo trên bức chân dung của máy tính rằng tôi cần chỉnh lại. Sau một hồi chỉnh sửa trực tiếp, chú xem đi xem lại mấy lần và nở nụ cười tỏ ý rất hài lòng. Ngày hôm sau, tôi hay tin chú mất”.

Bức chân dung về cố Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Bá Ước của nghệ sĩ Phạm Văn Út sau đó được dùng để đúc thành tượng bán thân bằng chất liệu đồng, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai. 

Gần 30 năm đến với điêu khắc, không thể đếm hết những tác phẩm mà nghệ sĩ Phạm Văn Út tạo ra từ các chất liệu “vô ngôn” này. Ông vẫn đang cần mẫn sáng tác để thỏa mãn niềm đam mê với điêu khắc…

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  627,385       1/1,199