Văn hóa

Sách báo ở gần, dân mới đọc

Hình thành thói quen đọc sách, nhất là thói quen cho học sinh, sinh viên đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Tại Đồng Nai, nhiều mô hình đọc sách, giới thiệu sách, phát triển văn hóa đọc ra đời được người dân đồng tình, hưởng ứng.

Học sinh đọc sách tại Tủ sách mầm xanh ở phường Bảo Vinh, TP.Long Khánh. Ảnh: L.Na
Học sinh đọc sách tại Tủ sách mầm xanh ở phường Bảo Vinh, TP.Long Khánh. Ảnh: L.Na

Từ chỗ sách phải đi tìm người đọc thì nay, số người đọc tìm đến sách báo ngày một tăng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

* Những cách làm hay

Nếu như trước đây, sau giờ tập thể dục buổi sáng xong, ông Võ Hồng Tuấn (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) ghé sạp để mua báo thì hơn 1 tuần nay, cứ 7 giờ sáng, ông đã có mặt tại điểm đọc báo miễn phí do Thư viện tỉnh tổ chức để đọc những tờ báo mới còn thơm mùi giấy. Gọi là “điểm” đọc báo bởi ở một góc sân của khuôn viên thư viện được đặt những giá báo nhỏ cập nhật các đầu báo trong ngày và vài tủ kính xếp các loại tạp chí. Vậy mà mỗi ngày thu hút hàng chục lượt người đến đọc.

Vừa mở tờ báo, ông Võ Hồng Tuấn vừa chia sẻ: “Đọc báo hằng ngày là một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Từ hôm điểm đọc báo miễn phí tại thư viện mở, sáng nào tôi cũng tranh thủ vào xem, trừ những ngày mưa to không đi được. Các đầu báo, tạp chí ở đây phong phú, thông tin hấp dẫn. Tôi rất thích đọc tin tình hình trong ngày, an ninh trật tự, hay đơn giản là đọc các chia sẻ về những bài thuốc quý trên báo”.

Cũng là một “điểm hẹn” thân quen, vào các ngày trong tuần tại Tủ sách mầm xanh dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc (phường Bảo Vinh, TP.Long Khánh) có khá đông học sinh và người dân đến đọc sách và vui chơi miễn phí. Tủ sách do Phòng Dân tộc TP.Long Khánh phối hợp với Khoa Truyền thông Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh thực hiện từ tháng 6-2019. Ngoài tủ sách với nhiều thể loại như: sách văn học thiếu nhi, truyện tranh trọn bộ, sách giáo khoa, sách tri thức học đường..., điểm đọc này còn có các bàn bi lắc (hay còn gọi là bàn banh tong) giúp các em thư giãn sau những giờ đọc sách.

Trưởng phòng Dân tộc TP.Long Khánh Đặng Thanh Hiếu cho biết, Tủ sách mầm xanh là địa chỉ tin cậy để học sinh phường Bảo Vinh đến đọc sách, mở mang kiến thức. “Qua tủ sách, chúng tôi mong muốn các em sau khi đọc sẽ rút ra được những bài học bổ ích, cố gắng vượt qua chính mình bằng con đường học vấn” - ông Hiếu nói.

Đó là hai trong số rất nhiều điểm đọc sách, báo miễn phí trên địa bàn tỉnh được mở ra gần đây. Cùng với các điểm đọc miễn phí, có nhiều cá nhân, tác giả đã tự in sách, kêu gọi bạn bè chung tay nhằm có thêm nhiều đầu sách trao tặng học sinh, sinh viên nghèo, học giỏi. Trong đó phải kể đến nhà văn Nguyễn Thái Hải, nhà văn Thu Trân, anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thuế kế toán Luật Việt Á)... Chưa biết có bao nhiêu em học sinh, bao nhiêu người dân đọc những cuốn sách được tặng, song công việc thầm lặng của họ đã góp phần truyền cảm hứng văn hóa đọc đến với cộng đồng.

* Không để "rộn ràng" bề nổi

Thực tế cho thấy, sách có những đặc thù riêng mà không một loại hình văn hóa nào có thể thay thế được. So với nhiều nước trên thế giới, thời gian người Việt Nam đọc sách vẫn còn ít. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các ngày hội sách, triển lãm sách báo... được tổ chức ngày một nhiều, tần suất dày hơn đã phần nào giúp đưa sách đến gần hơn với bạn đọc.

Theo Phó giám đốc Thư viện tỉnh Lê Thị Dung, việc trưng bày và giới thiệu sách, luân chuyển sách về cơ sở, đổi mới cách phục vụ bạn đọc là minh chứng cho việc thư viện không thụ động chờ đợi bạn đọc đến với mình. Việc tạo không gian mở cho văn hóa đọc là giải pháp hữu hiệu để khuyến khích và truyền cảm hứng đọc sách cho cộng đồng, nhất là giới trẻ. Ngoài ra, hệ thống thư viện cũng tích cực thực hiện thư viện điện tử trên nền điện toán đám mây, giúp độc giả tìm kiếm thông tin nhanh, hiệu quả mọi lúc, mọi nơi.

TS.Nguyễn Văn Quyết, giảng viên Trường đại học Đồng Nai cho biết, về thực chất, có thể thấy chúng ta đã tạo được nền tảng ban đầu cho việc khích lệ văn hóa đọc trên diện rộng thông qua những hội sách, thư viện lưu động, thư viện bưu điện xã, thư viện trường học, các điểm đọc sách miễn phí... Tuy nhiên, cần tính toán duy trì các hoạt động này sao cho lâu dài và hiệu quả để không phải là chỉ "rộn ràng" ở bề nổi. Tìm một hướng phát triển mang tính bền vững mới là điều quan trọng hiện nay. Phát triển văn hóa đọc là việc cần làm, phải làm ngay nhưng phải làm lâu, làm sâu, ấy mới là mấu chốt của vấn đề.

Sách báo ở gần, dân mới đọc. Điều này hoàn toàn đúng. Nhìn đông đảo người dân, học sinh, sinh viên đọc sách báo, bất cứ ai cũng thấy vui vì bạn đọc không thờ ơ với sách, thấy mừng vì văn hóa đọc dường như vẫn còn bám rễ rất chắc trong đời sống. Đây là tín hiệu vui trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay. Dù xã hội ngày càng phát triển cao, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin từ thư viện điện tử hay qua internet, thì sách vẫn không thể mất đi giá trị truyền thống lâu đời vốn có của nó.

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  626,884       18/1,190