Văn hóa

Cơ hội quảng bá gốm Biên Hòa

Ngày 4-1 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh diễn ra triển lãm gốm Sài Gòn với sự tham gia của 7 họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân đến từ nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai.

Tượng tướng Trần Bình Trọng của nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến tham gia triển lãm gốm Sài Gòn. Ảnh: Ly Na
Tượng tướng Trần Bình Trọng của nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến tham gia triển lãm gốm Sài Gòn. Ảnh: Ly Na

Việc họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng và nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến của Đồng Nai mang sản phẩm gốm Biên Hòa hội tụ cùng với nhiều dòng gốm khác nhau trong cả nước hứa hẹn mang đến một không gian thưởng lãm nghệ thuật đặc sắc. Qua đó, quảng bá gốm Biên Hòa - Đồng Nai đến với du khách gần xa.

* Truyền thống, cách tân hội tụ

Theo nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng, triển lãm gốm Sài Gòn do những thành viên trong Câu lạc bộ gốm Mỹ thuật Sài Gòn đam mê sáng tạo nghệ thuật cùng tập hợp nhau lại tổ chức. Có 7 tác giả tham gia với hơn 170 tác phẩm triển lãm. Tất cả đều mang âm hưởng vùng miền khác nhau. Đó là nơi những con người làm gốm sinh ra và lớn lên, từ Thanh Hóa, Quảng Nam, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh đến Bạc Liêu.

“Mỗi tác giả có một phong cách sáng tạo, một chủ đề rất riêng. Đa dạng trong phong cách và ý tưởng, thể hiện sự tìm kiếm, gợi mở khám phá về ngôn ngữ gốm với tác phẩm nghệ thuật. Mong rằng từ triển lãm, những người yêu gốm và giới thưởng lãm sẽ ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi” - ông Đoàn Xuân Hùng nói.

Tranh gốm Ngư thị của nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến tham gia triển lãm gốm Sài Gòn
Tranh gốm Ngư thị của nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến tham gia triển lãm gốm Sài Gòn

Lần đầu tiên mang gốm Biên Hòa tham gia triển lãm nhóm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (phường Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết bộ sưu tập của anh có gần 30 tác phẩm được sáng tác từ năm 2015 đến nay. Lấy tên gọi Truyền thống, các tác phẩm bên cạnh chú trọng dòng gốm truyền thống còn có nhiều tác phẩm cách tân hiện đại theo xu hướng mới của nghệ thuật. Có thể kể đến như: Tượng tướng Trần Bình Trọng, tranh cá Ngư thị…

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến giới thiệu, Tượng tướng Trần Bình Trọng - danh tướng thời nhà Trần với câu nói bất hủ “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” được thực hiện trên chất liệu gốm đất đen với màu men xanh đồng trổ bông đặc trưng của Biên Hòa. Hay những bức tranh cá Ngư thị kết hợp màu men đá đỏ, men trắng ta và men xanh giúp người xem có cách nhìn mới về biển đảo Việt Nam hôm nay, từ đó thêm yêu quê hương, đất nước…

Lần thứ hai có bộ sưu tập tham gia triển lãm gốm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sau triển lãm Đất nghĩ năm 2016, họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng (giảng viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai) cho biết, lần này ông có 30 tác phẩm tranh gốm trong triển lãm. “Sở dĩ tôi lấy chủ đề Ấm trầm cho bộ sưu tập là bởi các đồng nghiệp thường hay nói về các tác phẩm của tôi như thế. Đó là kết quả của một thời gian dài (4 năm) sáng tác miệt mài cùng gốm với những tông màu gốm Biên Hòa gần gũi, trầm, ấm để gửi đến công chúng” - họa sĩ Quang Hoàng bày tỏ.

Với cách tạo hình hội họa, sự cân bằng âm dương của đất, lửa và nước, những tác phẩm tranh gốm của họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng mang đến hiệu ứng thị giác về sự đối lập. Với đặc điểm là các chi tiết không liền khối mà được cắt rời từng bộ phận, sau đó ghép lại theo ý đồ của họa sĩ. Màu men chủ đạo của tranh gốm vẫn là xanh đồng, men đá đỏ cùng với kỹ thuật khắc khiến tác phẩm mang tính truyện rõ nét trong nghệ thuật đương đại. Tưởng chừng như đó là sự sắp đặt rất đơn giản của tranh gốm nhưng người xem cảm giác rất tự nhiên như cuộc sống của chính họ đang chuyển động.

* Quảng bá gốm Biên Hòa - Đồng Nai

Gần 60 tác phẩm gốm Biên Hòa tinh tế, đặc sắc của 2 tác giả Đồng Nai được trưng bày trong một phối cảnh tổng thể với gốm của các vùng miền khác nhau. Sợi chỉ xuyên suốt giữa những tác phẩm khác nhau này chính là tính đa dạng văn hóa, được tích lũy từ một lịch sử trải dài, những đợt di dân, những trải nghiệm và học hỏi, giao thoa văn hóa từ nhiều vùng đất. Cũng chính thế mạnh đó luôn nhắc nhở các họa sĩ phải trăn trở sáng tác hơn để giữ gìn bản sắc của gốm, của vùng miền khi hướng về tương lai.

Một số tác phẩm tranh gốm của họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng tham gia triển lãm gốm Sài Gòn
Một số tác phẩm tranh gốm của họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng tham gia triển lãm gốm Sài Gòn

Họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng cho rằng, TP.Hồ Chí Minh là thành phố có đời sống nghệ thuật phong phú, đa dạng. Nơi đây rất thuận lợi về vị trí địa lý cho việc tham quan, thưởng lãm tác phẩm nghệ thuật, giúp các nghệ sĩ giao lưu, bảo tồn và quảng bá giá trị của gốm Việt nói chung và gốm Biên Hòa nói riêng. “Nếu du khách có nhu cầu, các tác phẩm trong triển lãm sẽ được bán. Hoạt động mua bán này không chỉ làm tăng thêm thu nhập cho tác giả mà còn đưa tác phẩm sẽ đến gần với công chúng, nhất là những nhà sưu tầm, các địa chỉ văn hóa...” - họa sĩ Quang Hoàng nói.

Theo nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến, các tác phẩm gốm Biên Hòa truyền thống và đương đại có thể cũng kén người mua nhưng anh tự tin khẳng định rằng rất nhiều người sẽ “đọc” ra được ý nghĩa qua các thông điệp mà anh gửi gắm từ tác phẩm. Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến nhấn mạnh: “Việc giao lưu, trưng bày gốm Biên Hòa tại một địa chỉ chuyên nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh giúp tôi có thêm nguồn năng lượng mới để đi tiếp hành trình gìn giữ và phát triển gốm Biên Hòa, tiếp tục học hỏi, tìm tòi sáng tạo nghệ thuật phía trước”.   

Triển lãm gốm Sài Gòn diễn ra từ ngày 4 đến 15-1. Có 7 tác giả tham gia triển lãm với các chủ đề: Đẹp và nhẹ nhàng của Nguyễn Thị Dũng; Lạ, bất ngờ của Nguyễn Mậu Tân Thư; Ấm trầm của Nguyễn Quang Hoàng; Khám phá của Ngô Trọng Văn; Truyền thống của Hoàng Ngọc Hiến; Đi vào lòng người của Nguyễn Văn Trung và Táo bạo, mạnh mẽ của Đoàn Xuân Hùng.

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  624,397       1/459