Xã hội

Cùng xây mái ấm cho nạn nhân da cam

Điều kiện sống khó khăn, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp xã hội và cộng đồng nên những nạn nhân bị nhiễm, ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin không có điều kiện để tự xây dựng cho mình căn nhà kiên cố.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên thăm hỏi gia đình chị Điểu Thị Ánh Linh (nạn nhân chất độc da cam, dân tộc Chơro, xã Túc Trưng, huyện Định Quán). Anh: V.Truyên
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên thăm hỏi gia đình chị Điểu Thị Ánh Linh (nạn nhân chất độc da cam, dân tộc Chơro, xã Túc Trưng, huyện Định Quán). Ảnh: V.Truyên

Từ thực tế đó, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã tích cực vận động các nguồn lực chung tay xây nhà đại đoàn kết giúp cho những nạn nhân da cam có mái ấm.

* Trao nhà - trao niềm yêu thương

Tổng số người nhiễm chất độc da cam/dioxin
ở Đồng Nai đến tháng 9-2019 là 8.935 người.

Cùng cha sắp xếp lại những vật dụng trong căn nhà mới, nét mặt của chị Điểu Thị Ánh Linh (23 tuổi, dân tộc Chơro, ngụ ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng, huyện Định Quán) hiện rõ niềm vui.

Cha của chị Ánh Linh, ông Điểu Mạnh cho biết, cô con gái út của ông (Ánh Linh) bị nhiễm chất độc da cam nên từ khi sinh ra đến nay không nói được, thể chất và trí tuệ không phát triển như người bình thường, lại rất hay đau yếu. Bao nhiều tiền tích cóp được gia đình đều dùng vào việc điều trị bệnh cho chị. Cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc vào nghề chăn bò thuê của ông nên hết sức khó khăn. Gia đình 6 người sống trong căn nhà vách ván, mái tôn đã hơn 20 năm xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có điều kiện để tự xây dựng được.

Thấu hiểu và chia sẻ cùng hoàn cảnh gia đình khó khăn này, qua khảo sát, đề xuất từ địa phương, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động xây dựng nhà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam Điểu Thị Ánh Linh. Căn nhà trị giá 70 triệu đồng, trong đó 50 triệu đồng do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vận động Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam tài trợ, số tiền còn lại do gia đình đóng góp.

“Trong buổi lễ bàn giao nhà, các cơ quan, đơn vị còn trao tặng nhiều phần quà là các vật dụng gia đình, tiền mặt để giúp đỡ thêm cho gia đình. Con gái tôi không nói được nhưng suốt buổi lễ trao nhà luôn vui cười, hăng hái trang hoàng nhà cửa cùng cha mẹ” - ông Điểu Mạnh vui mừng nói.

Một gia đình nạn nhân da cam khác được sống trong căn nhà mới những ngày này là sinh viên Trương Minh Thiện (ngụ xã Long Đức, huyện Long Thành). Anh Minh Thiện hiện đang theo học tại Khoa Điện - điện tử - điện lạnh của Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành). Anh là con trai của bà Trương Thị Thanh, một nạn nhân chất độc da cam.  Hoàn cảnh gia đình anh Minh Thiện rất khó khăn, 2 mẹ con phải sống nhờ vào tiền trợ cấp của Nhà nước, sự san sẻ của cộng đồng nên không có khả năng sửa chữa căn nhà đã xuống cấp mà mình đang ở.

Mới đây, khi đảm nhận vai trò Khối trưởng Khối thi đua 15 (gồm 4 trường đại học: Đồng Nai, Lạc Hồng, Công nghệ miền Đông, Công nghệ Đồng Nai và 7 trường cao đẳng: Kỹ thuật Đồng Nai, Cơ giới thủy lợi, Y tế Đồng Nai, Nghề công nghệ cao Đồng Nai, Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Công nghệ quốc tế Lilama 2, Thống kê 2 và 2 trường trung cấp: Miền Đông, Kinh tế - kỹ thuật số 2), Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành) đã cùng các đơn vị bạn khảo sát thực tế và thống nhất cùng đóng góp xây dựng cho anh Minh Thiện một căn nhà kiên cố.

Căn nhà đại đoàn kết trị giá 80 triệu đồng (trong đó, các đơn vị trong Khối thi đua 15 hỗ trợ 45 triệu đồng, số tiền còn lại do Ngân hàng đầu tư - phát triển Việt Nam chi nhánh Long Thành tài trợ) đã được trao cho Trương Minh Thiện. Anh còn được trao 2 sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng để ổn định cuộc sống, yên tâm học tập khi mẹ vừa qua đời.

* Hành trình còn tiếp tục

Trong 9 tháng của năm 2019, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh đã vận động được hơn 6,9 tỷ đồng (vượt 27% so với kế hoạch năm 2019); sử dụng hơn 8,3 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân da cam như: hỗ trợ vốn sản xuất và giống cây trồng, vật nuôi; trợ cấp học bổng, học nghề cho nạn nhân, con em nạn nhân chất độc da cam /dioxin…

Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên, chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã có 5 căn nhà được xây mới với tổng số tiền trên 280 triệu đồng  được trao cho các gia đình nạn nhân da cam. Kinh phí để xây dựng những mái ấm yêu thương này phần lớn là từ nguồn vận động xã hội hóa, do doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp và một phần ngân sách nhà nước. Từ nay đến cuối năm, số căn nhà mới trao cho nạn nhân da cam sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Bên cạnh xây dựng mới nhà thì việc làm sao để gia đình các nạn nhân da cam không phải lặp lại hoàn cảnh cũ là sống trong những căn nhà dột nát, hư hỏng nặng, tạm bợ vẫn được các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đặc biệt quan tâm.

 Ông Nguyễn Văn Hoàn (68 tuổi, ngụ xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) cho hay, bản thân ông và con trai đều bị nhiễm chất độc da cam. Riêng ông thì sức khỏe rất yếu, nói ngọng, tay chân bị dị tật. Ngoài tiền trợ cấp hằng tháng, 2 cha con ông Hoàn còn được Nhà nước xây dựng cho 1 căn nhà kiên cố. Sau nhiều năm sử dụng thì căn nhà bắt đầu hư hỏng. Khi thấy nhà cửa xuống cấp nhưng gia đình ông Hoàn không có khả năng xây, sửa, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã vận động kinh phí để giúp ông sửa lại nhà.

Không chỉ riêng ông Hoàn, từ đầu năm 2019 đến nay đã có 7 gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin từng được xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương nhưng qua thời gian bị hư hỏng, tiếp tục được hỗ trợ để sửa chữa nhà với tổng số tiền là 123 triệu đồng.

Bà Đào Nguyên cho hay, may mắn là trong thời gian qua, việc vận động các tổ chức, cá nhân chung tay xây nhà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ. Trong đó, nhiều công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân sẵn sàng đóng góp hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng để cùng các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh chăm lo về nhà ở cho nạn nhân da cam. Đây là động lực rất lớn, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với những cá nhân, gia đình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong tỉnh.

Võ Tuyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,435,817       67/1,041