PN - Càng lớn, con bé càng giống con nhà ai, chứ chẳng phải con tôi. Nếu Susu không giống ba như tạc, chắc tôi sẽ nghĩ mình đã mang nhầm đứa nào khác từ bệnh viện về nuôi.
Bốn tuổi, con bé tỉnh queo bảo, Tấm không nói chuyện với dì ghẻ đâu, khi nó đi chơi xa với ba, được ba đề nghị alo điện thoại với mẹ. Sáu tuổi, con bé cương quyết chỉ ngủ với ba, bo xì má ra, vì má khó tính quá à! Bảy tuổi, con bé mải mê xem tivi khi tôi đi làm về tới, người ướt như chuột lột vì mắc mưa, sau khi tôi nhắc nhở Susu mới miễn cưỡng hỏi một câu như máy là “Má có sao không?”. Chín tuổi, Susu có một thế giới riêng nào đấy với ba nó, trong đó hai cha con trò chuyện, chơi chung, đặt tên nhà sách theo một cách bí mật là “Nhà sách trang trí”, “Nhà sách kỳ lạ”… Tôi ra rìa, không cách nào tiếp cận với con gái được, dù đã rất cố gắng. Mười hai tuổi, con gái tôi dậy thì, bài học đầu đời về áo ngực, về “có cánh” này nọ, nó được bạn bè chỉ dạy, chứ không phải tôi, bà mẹ vô duyên vừa mở miệng ra rao giảng đã bị phủ đầu “Con biết hết rồi má ơi!”.
Mà thực sự tôi đã làm gì nên tội? Tôi vô trách nhiệm, bỏ mặc con chăng? Không, chỉ là tôi có phần nghiêm khắc, không dễ dàng chiều theo các yêu sách, đòi hỏi của Susu mà thôi. Tôi không đồng ý cho Susu ăn sáng ở ngoài, thì con bé âm thầm xin ba. Tôi dặn đi bơi xong thì về nhà ăn cơm trưa, hai ba con tranh thủ ghé tiệm thức ăn nhanh, giấu mẹ “làm” vội phần khoai tây chiên gà rán. Tôi cấm chơi game trên laptop hay máy tính bảng, thì đợi tôi đi vắng khỏi nhà, con bé òn ỉ nói ba cho mượn điện thoại một chút…
Khoan bàn tới sự bất đồng ý kiến và thiếu thống nhất trong cách dạy con của hai vợ chồng tôi ở đây. Chỉ đơn giản là, Susu trời sinh ra đã thích làm bạn với ba hơn với má. Cái gì má cấm thì tranh thủ thỏ thẻ xin ba. Ba mềm lòng, hay chiều theo ý nó, thế là tôi trở thành bà mẹ đáng ghét, khó chịu, chỉ biết cấm đoán. Thêm là chúng tôi còn có một đứa con trai nhỏ. Cậu nhóc này quyến luyến mẹ, như một cách bù trừ, lại nhiều tình cảm, thích ôm ấp hun hít mẹ. Tôi có lòng dạ sắt đá cũng phải thấy vui vẻ mãn nguyện khi được trai trẻ và đẹp yêu thương nịnh nọt kiểu ấy. Thế là càng có cớ để tôi và Susu ngày càng khó mở lòng với nhau hơn thì phải. Theo như con bé kết luận, thì tôi chỉ thương em trai, hoặc thương em trai nhiều hơn hẳn, dù tôi đã ra sức giải thích và đối xử công bằng với cả hai đứa con mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Càng lớn, con bé càng giống con nhà ai, chứ chẳng phải con tôi! Nếu Susu không giống ba như tạc, thì chắc tôi sẽ nghĩ mình đã mang nhầm đứa nào khác từ bệnh viện về nuôi. Giờ mẹ con cứ như mặt trăng mặt trời, con bé tính tình bề bộn, làng xàng, làm gì cũng chậm chạp, hay trả treo lý sự, và đặc biệt là lười biếng, thích ở dơ… Muốn dạy con gái chải tóc, đi đứng, ăn mặc, giữ vệ sinh… tôi cũng đành bó tay với nó. Thử tưởng tượng mà xem! Tôi vừa mở miệng nhắc nhở, chứ chưa kịp la rầy Susu, thì mặt mũi con bé đã xụ ra một đống, thái độ bất hợp tác thấy rõ. Tôi dặn việc gì đấy, Susu cứ im ỉm chẳng buồn chả lời một tiếng. Tôi bực mình quát lên, nó mới ậm ừ ra vẻ “biết rồi khổ lắm nói mãi”! Tôi muốn ôm con một cái, nó chưa tới mức ngoảnh mặt đi, nhưng cũng thờ ơ chẳng cảm xúc gì. Người mẹ trong tôi đến là thất vọng!
Tôi thừa nhận là cũng ít nhiều ác cảm với Susu hơn là thằng em nó, nhưng thực sự, tôi thấy mình bất lực trước đứa con gái kinh dị này. Hay là tôi đã cư xử sai điều gì đó, ngay từ lúc làm mẹ?
LƯU LY
Mẹ và con gái là mối quan hệ rất thân, nhưng đôi khi giữa hai mẹ con cũng có nhiều “niềm riêng làm sao nói hết”. Báo Phụ Nữ mong được làm chiếc cầu nối để mẹ và con gái trao đổi tâm tình với nhau. Hãy viết ra những gì mẹ muốn nói với con gái, con gái muốn thưa với mẹ để mẹ con mình luôn có nhau trên đời.
Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến, qua các địa chỉ:
- Trang chủ của phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ: truongsonpntp@yahoo.com
- Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài của chuyên đề
Trân trọng cảm ơn
mẹ, con gái, cùng dấu đẩy nhau, bất lực, làm mẹ