Quốc tế

Thái Lan lo ngại đảo chính

Trước ngày diễn ra chiến dịch "đóng cửa Bangkok", có những quan ngại rằng bạo lực và đảo chính quân sự sẽ lặp lại với Thái Lan.

Người biểu tình rầm rộ xuống đường chống Chính phủ, chuẩn bị cho chiến dịch “đóng cửa Bangkok”.  					    Ảnh: AP
Người biểu tình rầm rộ xuống đường chống Chính phủ, chuẩn bị cho chiến dịch “đóng cửa Bangkok”. Ảnh: AP

Ngày 12-1, hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ kéo đến Bangkok để chuẩn bị chiến dịch đóng cửa thủ đô bắt đầu từ hôm nay (13-1). Lãnh đạo phe biểu tình, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, cho biết sẽ có hàng trăm nghìn người tham gia chiến dịch “đóng cửa Bangkok”. Đoàn người biểu tình sẽ chặn các ngã tư lớn, ngăn cản quan chức chính phủ đến cơ quan, công sở làm việc và cắt điện nước tại các tòa nhà chính phủ. Các trường học sẽ đóng cửa do lo ngại an toàn cho học sinh.

Các nhà chức trách Thái Lan nói rằng, họ sẵn sàng ban bố tình trạng khẩn cấp nếu bất ổn trở lại. Khoảng 20.000 cảnh sát và binh sĩ quân đội sẽ được triển khai để bảo đảm an ninh. Các quan chức cũng dự đoán có 12 bệnh viện, 28 khách sạn, 24 trường học và 5 trạm cứu hỏa nằm trong khu vực bị ảnh hưởng biểu tình.  

Kể từ khi xảy ra biểu tình trên đường phố Thái Lan vào cuối tháng 10-2013 đến nay, tổng cộng 8 người, trong đó có một cảnh sát, đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Reuters dẫn lời ông Suthep khẳng định ông sẽ hoãn biểu tình nếu có khả năng xảy ra nội chiến. Tuy nhiên, ông bác bỏ bất kỳ thỏa hiệp nào với chính phủ. Trả lời phỏng vấn tờ Sunday Nation ngày 12-1, ông Suthep cho biết sẽ không đối thoại với chính phủ. Phe chống chính phủ cáo buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra và anh của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Bà Yingluck kêu gọi bầu cử lại vào ngày 2-2 tới nhưng những người biểu tình muốn chính phủ lâm thời của bà phải từ chức ngay lập tức. Những người ủng hộ nữ Thủ tướng 47 tuổi ngày 12-1 cũng xuống đường tuần hành nhằm bảo vệ bà.

Reuters dẫn lời một thành viên Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết, cuộc bỏ phiếu lại có thể diễn ra vào ngày 4-5, thay vì ngày 2-2, do biểu tình khiến các ứng viên không thể đăng ký tranh cử ở một số khu vực.

Áp lực đang gia tăng với bà Yingluck khi những người ủng hộ nhà lãnh đạo này cũng như ông Thaksin chủ yếu ở các khu vực nông thôn đông dân ở phía bắc và đông bắc của Thái Lan. Còn lực lượng ủng hộ phe đối lập là tầng lớp thị dân và trung lưu, tập trung ở Bangkok. Song, nữ Thủ tướng dự kiến vẫn ở lại thủ đô dù nơi đây thật sự bị “đóng cửa”.

Trong lúc này, mối quan ngại về đảo chính gia tăng bởi trong lịch sử Thái Lan, quân đội từng nhiều lần can thiệp vào chính trị. Tuy nhiên, Tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha khẳng định không thể xảy ra đảo chính. Phó Thủ tướng Pongthep Thepkanjana cho rằng, quân đội đã có bài học từ cuộc đảo chính vào năm 2006 - sự kiện lật đổ ông Thaksin, đẩy Thái Lan vào bất ổn chính trị kéo dài. Cũng theo ông Pongthep, cộng đồng quốc tế và nhiều người dân Thái sẽ phản đối việc quân đội tiếp quản quyền lực. Phong trào áo đỏ thân Thaksin tuyên bố sẽ huy động lực lượng chống lại thêm bất kỳ cuộc đảo chính nào nữa.

Thăm dò của hãng Suan Dusit đối với 1.344 người được công bố ngày 12-1 cho biết, 1/3 số người được hỏi tin rằng việc “đóng cửa Bangkok” có thể kéo theo thay đổi về chính trị. 1/4 số người nói rằng, “đóng cửa Bangkok” sẽ ảnh hưởng đến đất nước và tất cả người dân Thái Lan cũng như công việc kinh doanh, thương mại. 21,9% cho rằng, động thái này sẽ gây những bất tiện về giao thông; 10,4% muốn các hành động liên quan đến việc “đóng cửa” được thực hiện trên cơ sở tôn trọng luật pháp. Trong khi đó, 8,61% lo ngại sự kiện ngày 13-1 sẽ dẫn đến bất ổn chính trị và xung đột giữa người Thái với người Thái. Ngành du lịch của quốc gia Đông Nam Á này ước tính thiệt hại đến 600 triệu USD.

PHÚC NGUYÊN

.
Đà Nẵng

© 2021 FAP
  11,428       1/480