Xã hội

Việc nhiều nhưng vắng người ứng tuyển

Tại 2 sàn giao dịch việc làm liên tiếp diễn ra vào cuối tháng 2 và ngày 10-3 vừa qua, các doanh nghiệp đăng ký tuyển hơn 5,5 ngàn người với nhiều vị trí công việc, song lượng lao động mà các đơn vị tiếp nhận được lại rất ít.

Người lao động được tư vấn tại Sàn giao dịch việc làm lần thứ 123 diễn ra ngày 10-3. Ảnh: V.TRUYÊN
Người lao động được tư vấn tại Sàn giao dịch việc làm lần thứ 123 diễn ra ngày 10-3. Ảnh: V.TRUYÊN

Cả 2 phiên giao dịch việc làm kể trên chỉ có hơn 900 ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển, bằng 1/6 so với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp.

* Đỏ mắt đợi lao động

Theo Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai Huỳnh Ngọc Long, mỗi lần tổ chức sàn giao dịch việc làm, trung tâm đều phát hành thư mời tham gia đến các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, song hầu như không trường nào phản hồi hay đến dự. Đây là một thiệt thòi lớn cho chính sinh viên sắp tốt nghiệp vì có thể bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu việc làm hoặc ứng tuyển vào vị trí chuyên ngành. Để giúp sinh viên tốt nghiệp tiếp cận với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, từ đầu năm 2017 Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã vận động và cùng doanh nghiệp trực tiếp tìm đến các trường để tổ chức tư vấn việc làm cho sinh viên.

Cùng các đồng nghiệp trong công ty ngồi ở bàn tư vấn tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 10-3 để chờ người đến tham dự sàn giao dịch việc làm lần thứ 123, ông Hồ Hoàng Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Elite Long Thành (Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành), cho hay nhu cầu tuyển dụng của đơn vị là 370 lao động với nhiều vị trí việc làm. Không chỉ ngồi tại bàn tư vấn, nhiều nhân viên của công ty còn rảo khắp sàn giao dịch để thăm hỏi nhu cầu của người đến tìm việc và mời đến nơi tư vấn của đơn vị, song cũng chỉ có 58 ứng viên nộp hồ sơ sau khi được tư vấn. Còn tuyển trực tiếp tại công ty thì số lượng cũng rất ít.

Nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại các sàn giao dịch gần đây cũng gặp tình trạng tương tự. Như trường hợp của Công ty TNHH Việt Nam Wacoal (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) với nhu cầu tuyển dụng 100 công nhân may, công nhân cắt nhưng chỉ có 10 ứng viên nộp hồ sơ. Trước đó, tại sàn giao dịch việc làm lần thứ 122, công ty này cần tuyển 501 lao động nhưng cũng chỉ có 3 người nộp hồ sơ.

Còn với Công ty TNHH Fashion Garments 2 (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) có nhu cầu tuyển 218 công nhân may, tổ trưởng chuyền may, nhân viên kỹ thuật may nhưng chỉ có 20 người nộp hồ sơ. Hay như Công ty TNHH một thành viên  JR France (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) tuyển 102 lao động nhưng chỉ nhận được 1 hồ sơ ứng tuyển.

* Tiếp tục kết nối cung cầu

Đại diện một công ty tham gia tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm lần thứ 123 chia sẻ việc nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng lao động ít tham gia dự tuyển có nguyên nhân chính vẫn là do giữa người sử dụng lao động và người lao động chưa tìm được tiếng nói chung, nhất là khi thỏa thuận về chế độ tiền lương.  

Một nguyên nhân khác cũng khiến các doanh nghiệp khó tuyển được người là lao động phổ thông đến với sàn giao dịch việc làm chưa nhiều. “Tham gia nhiều phiên giao dịch việc làm, chúng tôi nhận thấy lao động phổ thông đến sàn chưa nhiều. Mặc dù việc truyền thông được Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai thực hiện rất dày và thường xuyên nhưng theo tôi quan sát, lao động nhập cư từ nhiều nơi đến tỉnh, người ở vùng nông thôn vẫn ít biết đến sàn” - ông Phan Huy Việt, phụ trách tuyển dụng của Công ty TNHH Olam Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), nói.

Thêm vào đó, những vị trí công việc đòi hỏi có trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề để trực tiếp tham gia vào sản xuất hiện không xuất hiện nhiều tại các sàn giao dịch việc làm. Theo ông Trần Minh Tân, Phó phòng kinh doanh Công ty TNHH một thành viên ô tô Kim Sơn (phường Long Bình, TP. Biên Hòa), công ty có nhu cầu tuyển dụng 10 lao động có tay nghề, được đào tạo chuyên môn nhưng cũng chỉ có 3 ứng viên nộp hồ sơ. Còn lại phần lớn là chưa qua đào tạo hoặc ứng viên có trình độ đại học nhưng không liên quan đến quá trình trực tiếp sản xuất mà đảm nhận vai trò quản lý, điều hành nên công ty không thể tiếp nhận.

Từ thực tế mà các doanh nghiệp đang gặp phải, với vai trò là nơi tư vấn, giới thiệu việc làm đầu tàu trong tỉnh, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã đề ra nhiều giải pháp để tăng cường vai trò làm cầu nối giữa người tìm việc và người sử dụng lao động.

Theo ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, từ tháng 3-2017, mỗi tháng trung tâm sẽ thực hiện 2 sàn giao dịch việc làm. Ngoài ra để thông tin tuyển dụng, việc tổ chức sàn đến được với các tầng lớp nhân dân, trong năm 2017, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai phối hợp cùng các cơ quan báo chí truyền thông trong tỉnh thực hiện xây dựng chuyên trang, chuyên mục về sàn giao dịch việc làm. Bên cạnh đó, trong thời gian làm việc của các ngày trong tuần, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai vẫn tiếp tục tư vấn, giới thiệu và tiếp nhận hồ sơ của người có nhu cầu lao động đến với các doanh nghiệp.

ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng để tạo nên cầu nối giữa đơn vị đào tạo với nhà sử dụng lao động, trong thời gian tới Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai cần mời các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề tham gia vào sàn giao dịch việc làm nhằm giúp các trường nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động, từ đó có kế hoạch đào tạo sát với thực tế; giúp nhà tuyển dụng dễ dàng lựa chọn được lao động có trình độ đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,423,069       2/1,041