Giáo dục

Cậu học trò giàu lòng hiếu thảo

Bị kém trí tuệ từ nhỏ, tuy không giúp được mẹ nhiều việc nhưng Hòa cũng có thể chơi với em, trông coi em và phụ những việc đơn giản như dọn dẹp, quét nhà.

Trong những em học trò kém may mắn của tôi, thì em Lê Công Hòa (học sinh lớp 4/2 trường Tiểu học Yên Luông, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) là đứa trẻ kém may mắn nhất bởi em bị kém trí tuệ từ nhỏ.

Gia đình em rất nghèo. Mẹ em sinh ra trong gia đình làm nông nghèo, không có của cải, phải đi làm thuê trong xóm, ai cần thuê làm việc gì, mẹ em cũng làm, như nhổ cỏ, thu hoạch cải, cấy lúa, gieo mạ...

Tất cả những việc làm nông cũng như sự nghèo túng, cơ cực đã ăn sâu vào máu của người phụ nữ ấy từ thuở bé, rồi như cái nghiệp, đeo bám mẹ em không thôi, không cách nào dứt ra được ở xứ Gò Công Tây ai cũng nghèo này.

Mẹ Hòa lấy ba em - một người thợ kim hoàn thạo việc, ước mong cuộc đời mẹ sang trang, nhưng rồi đâu cũng hoàn đấy, kiếm cơm ở xứ nghèo bằng nghề kim hoàn thật không dễ dàng. Rồi 4 đứa trẻ ra đời, Hòa là anh hai, gánh nặng càng thêm chồng chất vì giờ đây ba mẹ em phải nuôi 4 miệng ăn, chúng nó khát sữa, đói cơm, thèm thịt liên tục khiến họ không khỏi rối bời bời đầu óc.

Sau đó, ba Hòa quyết định đi Đà Nẵng tìm đường mưu sinh với nghề kim hoàn, không biết quyết định này có cứu vãn được cuộc sống khó khăn của gia đình trong tương lai hay không, nhưng hiện tại, ba em phải vắng nhà suốt mấy tháng trời rồi mới về thăm 5 mẹ con 1 lần.

Khi không có chồng bên cạnh, mẹ em phải đối mặt với việc một mình chăm sóc đàn con nheo nhóc, nhiều lúc tôi tưởng mẹ em phải có sức mạnh kỳ diệu nào đó mới có thể chăm một lúc 4 đứa con nhỏ.

cau-hoc-tro-giau-long-hieu-thao

Em Lê Công Hòa.

Với những gia đình nghèo khác, ở lứa tuổi của Hòa đã có thể giúp được ba mẹ nhiều việc, nhưng em không có khả năng đó vì bị kém trí từ nhỏ, việc nuôi Hòa khôn lớn, đi học đúng tuổi và lên lớp hằng năm đã là nỗ lực lớn lao của gia đình và bản thân em.

Tuy không giúp được mẹ nhiều việc nhưng Hòa cũng có thể chơi với các em, trông coi em và phụ những việc đơn giản như dọn dẹp, quét nhà. Làng xóm ai biết nhà em như vậy cũng thương, lâu lâu lại có người cho Hòa và các em quần áo cũ, sách cũ, đồ chơi cũ, tình cảm nhân ái luôn luôn bao bọc quanh Hòa và các em của Hòa.

Là một người thầy, tôi hy vọng trường hợp của em Hòa sẽ được cộng đồng dang tay giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, góp sức mạnh cho em trở thành một công dân có ích cho xã hội.

Phan Văn Thạnh

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,107,719       1/1,154