Giáo dục

Nghị lực vươn lên của cậu học trò 5 năm một bộ đồng phục

Gia đình còn nghèo, cha mẹ Kiên phải xin sách vở cũ của hàng xóm cho con học, riêng bộ quần áo sờn mòn và vàng ố vẫn theo em suốt 5 năm cấp một.

Thầy cô ở trường THCS Thạnh Lợi ở ấp 5, xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức, Long An) gần như không ai là không biết đến gia cảnh khó khăn của em Võ Trung Kiên, sinh ngày 20/9/2005 trong một gia đình lao động nghèo. 

Cha mẹ em đều đi làm thuê, đồng lương thấp mà công việc lại nặng nề, mất sức. Ai thuê mướn gì, cha mẹ em cũng làm. Có những trưa hè, nắng nóng đổ lửa, người ta thuê đi gặt lúa, cha em cũng phải đi. Ông hiểu rõ hoàn cảnh của mình, chỉ cần nghỉ một ngày thì con trai sẽ không đủ cơm ăn, còn chuyện học hành của Kiên theo đó cũng bị ảnh hưởng.

Mẹ em thì sức khỏe kém hơn, năm nay mới ngoài 30 nhưng trông chị rất khắc khổ. Trong xóm, nhà ai có đám tiệc, muốn thuê chị sang rửa chén, dọn dẹp chị đều đồng ý. Mỗi ngày làm việc, chị được người ta trả tầm 50.000 đồng đến 70.000 đồng. Dù làm quần quật cả ngày, chị vẫn nhận và còn cảm thấy mừng, an tâm vì lo được cho con bữa cơm đầy đủ, có miếng thịt miếng cá.

Vốn ra đời bươn trải sớm, mẹ Kiên nhanh chóng già đi, rồi nay đau mai ốm, đặc biệt là bệnh đau nhức xương khớp. Nguyên nhân của căn bệnh này là do sau khi sinh Kiên, vì lo phụ chồng kiếm thêm thu nhập, chị đã không ở cữ mà đi làm liền. Vì thế, dù còn trẻ nhưng chị đã mang trên mình những vết chân chim, mái tóc cũng bạc dần theo năm tháng.

Còn ba của Kiên, làn da đã cháy nắng, anh nói vùng da của mình chết rồi nên giờ nắng nóng đổ trên lưng cũng không còn nhiều cảm giác. Số phận của họ gần như phó mặc cho cuộc đời, lênh đênh như dòng nước, sóng cuốn đi đâu, họ theo đó, bởi vì dù có cố gắng vượt gió dữ cỡ nào thì họ cũng không thể thắng nổi số phận khắc khổ này.

nghi-luc-vuon-len-cua-cau-hoc-tro-5-nam-mot-bo-dong-phuc

Cậu học trò nghị lực Võ Trung Kiên.

Chi phí ăn học của Kiên hiện vẫn được nhà trường hỗ trợ nhờ chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo vượt khó. Tuy nhiên, dụng cụ học tập như cặp sách, quần áo thì gia đình em phải tự lo. Thường sau khi kết thúc một năm học, mẹ của em sẽ xin lại sách cũ của hàng xóm hoặc người quen rồi cất gọn gàng trong thùng giấy, chờ đến năm học mới cho Kiên dùng.

Thời gian em học cấp một, tập viết, tập toán cũ người ta đã điền hết rồi nên mẹ đành phải nhịn bớt vài bữa ăn để gom tiền mua cho em. Còn quần áo thì 5 năm cấp một đều chỉ có một bộ, vải mòn sờn và vàng ố cả, trông em càng gầy guộc hơn.

Năm nay, Kiên bước vào cấp 2, học phí cũng nhiều hơn, sách cũng phải vất vả lắm mới xin được. Bao trăn trở đè nặng lên mái ấm gia đình em, không biết liệu rằng họ có đủ sức cùng nhau vượt qua hoàn cảnh được hay không? Tôi mong những lời chia sẻ của mình - một người quen biết của gia đình Kiên có thể giúp em nhận được sự quan tâm của chương trình, giúp cho gia đình em có thêm nghị lực để vươn lên.

C.Ly

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,107,278       4/1,225