Giáo dục

Vừa có điểm sàn, nhiều trường ĐH-CĐ đã 'xé rào' xét tuyển

PN - Chiều 28/7, Bộ GD-ĐT “chốt hạ” mức điểm làm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH-CĐ. Hiện, nhiều trường ĐH-CĐ đã “xé rào” xét tuyển để giành người học,

Nhiều trường tăng điểm chuẩn

Chiều 28/7, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy đã họp, công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH (trước đây gọi là "điểm sàn") là 15 điểm cho tất cả các tổ hợp môn vào ĐH và 12 điểm đối với CĐ. Các trường ĐH-CĐ xây dựng phương án xét tuyển sao cho điểm xét tuyển không thấp hơn mức này.

Đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa ra một mức “điểm sàn” duy nhất cho tất cả các tổ hợp môn thi. Trước đó, mức điểm này khác nhau giữa các khối thi. GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá, với mức “điểm sàn” năm nay, các trường sử dụng kết quả điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển sẽ có nguồn tuyển rất dồi dào. Đối với các trường xét tuyển dựa vào kết quả học bạ THPT thì mức điểm tối thiểu xét vào ĐH là 6 và CĐ là 5,5 điểm.

Nhiều trường ĐH lớn dự kiến mức điểm chuẩn vào các ngành sẽ tăng so với năm ngoái. Ngay sau khi Bộ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, TS Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định, xu hướng chung là điểm xét tuyển năm nay sẽ tăng tại các trường thành viên vì đề thi năm nay, các câu hỏi ở phần cơ bản chiếm tỷ lệ cao, thí sinh (TS) làm bài tốt, đạt điểm cao.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có mức điểm trúng tuyển các ngành dự kiến nằm ở khoảng 15-18 điểm. ThS Phạm Thái Sơn - Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo nhà trường cho biết, mức điểm chuẩn năm nay có ngành tăng đến hai điểm so với năm trước.

Tương tự, điểm chuẩn vào các ngành của trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nhiều khả năng sẽ tăng mạnh. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, năm trước, các khối A, A1, D1 có mức điểm chuẩn từ 16-20 và khối B từ 17-21. Năm nay, mức điểm chuẩn tối thiểu đối với các khối A, A1, D1 có thể là 18 và khối B là 19.

Sau kỳ thi, nhiều thí sinh hoang mang trước “ma trận” trường ĐH đang nỗ lực chèo kéo người học

“Cuộc đua” giành người học

Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, thời gian xét tuyển ĐH nguyện vọng 1 đợt 1 bắt đầu từ 1/8 đến 20/8 và công bố kết quả 25/8. Mặc dù chưa đến thời hạn xét tuyển (từ ngày 1/8), đã có nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập tranh thủ “xé rào” để giành người học. Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương thông báo xét tuyển ĐH-CĐ hệ chính quy 2015 theo hai phương thức: kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét học bạ THPT. Trường này tranh thủ “chạy trước” thời gian so với quy định khi thông báo đến TS thời gian nộp hồ sơ từ 1/8 đến 15/8 và công bố kết quả ngày 20/8.

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định “tuyên bố” dành 20% xét tuyển TS bằng kết quả thi THPT và 80% chỉ tiêu còn lại xét từ học bạ. Hiện trường này đã nhận hồ sơ xét tuyển (từ 20/7 đến 30/10/2015). Không kém cạnh, Trường ĐH Nam Cần Thơ nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 từ nay đến hết 10/8…

Chưa hết, Trường CĐ Bách Việt còn “sáng tạo” cách tính điểm xét tuyển rất lạ. Cụ thể, trường này xét tuyển học bạ THPT với điểm xét tuyển trong năm học kỳ của ba lớp 10, 11, 12 đạt từ 82,5 điểm. Nhiều chuyên gia tuyển sinh ngỡ ngàng khi thấy mức điểm này vì điểm THPT chỉ tính theo thang điểm 10, lấy đâu ra 82,5 để xét.

Không chỉ “xé rào” xét tuyển trước, nhiều trường ĐH ngoài công lập còn liên tục điện thoại, chèo kéo TS. Một số phụ huynh tại TP.HCM đang “đau đầu” với nhân viên tuyển sinh của các trường ngoài công lập như ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Văn Hiến…

Những trường này đến trường THPT phát hồ sơ xét tuyển miễn phí để phụ huynh, học sinh điền thông tin. Hậu quả của việc trót nộp hồ sơ vào các trường này là phụ huynh, TS liên tục... bị chăm sóc.

Một phụ huynh của trường THPT Trường Chinh bức xúc nói: “Gần đây, hầu như các trường gọi điện thoại hàng ngày để hối thúc chúng tôi “khi có giấy báo điểm kỳ thi THPT là nộp vào trường ngay”, trong khi gia đình tôi còn chưa nhận được phiếu điểm của con mình”.

ThS Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM giải thích, không phải trường hối thúc mà do thời hạn xét tuyển học bạ đợt 1 của trường kết thúc ngày 31/7. Vì vậy, trường gọi điện nhắn phụ huynh, nếu TS có điểm thì bổ sung gấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để kịp thời xét trong đợt 1. Vì nếu không, TS sẽ bị chuyển sang đợt 2, điểm chuẩn có thể cao hơn.

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM nhấn mạnh: “Việc các trường “xé rào” xét tuyển sớm là sai quy định, việc liên tục hối thúc TS tạo tâm lý hoang mang cho người học. Thời điểm này, TS rất lo sợ sẽ không tìm được chỗ học nên thấy trường nào xét sớm, tuyển dễ, liền nộp vào. Và như vậy, dễ dẫn đến đánh mất cơ hội học trường phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế”.

TIÊU HÀ - GIA TUỆ

www.phunuonline.com.vn

thi THPT, kỳ thi THPT quốc gia, điểm sàn, tuyển sinh, 'xé rào' xét tuyển


© 2021 FAP
  317,001       1/383