Pháp luật

Một phụ nữ Việt bị công an cửa khẩu sân bay Malaysia tạm giữ 6 ngày

PN - Tối 28/7, chị T.T.T., cán bộ Quận ủy Q.12, TP.HCM, người vừa được giải cứu, trở về Việt Nam sau hơn 6 ngày bị tạm giữ tại sân bay Kuala Lumpur (KLIA), Malaysia.

BỖNG NHIÊN THÀNH… NGHI PHẠM!

Chị T. (sinh năm 1986), thành viên của đoàn cán bộ công chức Quận ủy Q.12 tham gia chuyến du lịch Singapore - Malaysia từ ngày 18/7 đến 23/7 do Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist (thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - STS) tổ chức. Cùng 61 thành viên, chị T. đã tham dự tất cả các hoạt động của đoàn, tuân thủ sự điều động của hướng dẫn viên STS.

Thế nhưng, khoảng 15g ngày 23/7, khi làm thủ tục rời Malaysia, kết thúc chuyến tham quan, chị T. bị công an cửa khẩu sân bay Kuala Lumpur (KLIA) giữ lại, không cho xuất cảnh với lý do: con dấu nhập cảnh (từ cửa khẩu Singapore vào Malaysia) đóng vào hộ chiếu của chị T. là giả mạo, đây là vụ việc nghiêm trọng, liên quan đến an ninh quốc gia nên phải giữ chị T. để điều tra sự việc.

Cuối cùng cả đoàn bay về, chỉ còn chị T. ở lại. Anh H., chồng chị T. cho biết: “Tôi nghe T. gọi mà không biết phải làm gì để cứu vợ mình. Thông tin về việc tạm giữ ban đầu cả đoàn đều hoàn toàn mù mịt, người thì nói T. trùng tên với một tội phạm, người thì cho rằng T. liên quan đến vụ án gì đó… Cả T. cũng không biết lý do mình bị giữ”.

Tin tức của chị T. chỉ được truyền về Việt Nam thông qua người hướng dẫn viên của STS. Chính vị này cũng nóng ruột vì dù ở lại nước bạn, nhưng không có cách nào gặp được chị T. khi chị đang bị tạm giữ. Anh này cho biết: “Phía bạn làm việc chậm chạp, thông tin không đầy đủ, rõ ràng. Giá như Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam (VN) tại Malaysia can thiệp sớm, chị T. sẽ nhanh chóng được trở về. Thể trạng của chị T. vốn yếu ớt, mà lại bị tạm giữ ở sân bay trong điều kiện ăn, nghỉ, vệ sinh cá nhân đều không đảm bảo”.

Suốt 3 ngày phấp phỏng đợi chờ tin tức và chờ sự can thiệp từ các cơ quan chức năng, ngày 26/7, chị T. suy sụp sức khỏe nặng nề khi nghe tin sẽ tiếp tục bị tam giữ để công an nước bạn điều tra về con dấu giả mạo. Ba lần được phép gọi điện về nhà, chị hầu như chỉ khóc thét, hoảng loạn.

Vì các liên kết trong website của Bộ ngoại giao và cục lãnh sự không cách nào đưa đến đường link của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, muốn tìm thông tin, người dân phải đi tìm ở các trang mạng khác.

ĐẠI SỨ QUÁN QUÁ CHẬM CHẠP

Sáng 27/7, ngay khi tiếp nhận thông tin qua sự cầu cứu từ người thân của chị T., phóng viên báo Phụ Nữ đã liên lạc nhiều số điện thoại, kể cả đường dây nóng của ĐSQ, thế nhưng tất cả đều không trả lời.

Khi liên lạc Quận ủy Q.12, chúng tôi được biết ngay sáng 24/7, văn phòng Quận ủy đã gửi những giấy tờ cần thiết chứng minh chị T. là nhân viên của đơn vị này cho phía STS; đồng thời cũng đã gửi công văn sang ĐSQ, yêu cầu bảo hộ công dân theo quy định. Thế nhưng, những thông tin mà đơn vị này gửi đi đều không nhận được phúc đáp.

Ông Lâm Tuấn Khôi - Giám đốc khối du lịch nước ngoài của STS cho biết: “Chúng tôi đã làm hết cách để tháo gỡ vấn đề. Ngay trong đêm 23/7, khi nhận được thông tin, lãnh đạo STS đã xin ý kiến Sở Ngoại vụ và phối hợp Quận ủy Q.12, cùng công ty lữ hành đối tác của chúng tôi tại Malaysia làm các thủ tục cần thiết. Để sự việc được giải quyết nhanh chóng, chúng tôi gửi email đến ĐSQ của ta ở nước bạn, nhưng chờ cả ngày không có phản hồi. Hôm sau nữa là ngày thứ Bảy, cuối tuần, STS liên lạc được với người có trách nhiệm ở ĐSQ thì vị này cho biết do cô cán bộ giữ chìa khóa phòng máy, người có thể mở email nghỉ phép nên… không có chìa khóa vào phòng kiểm tra thư”.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ báo Phụ Nữ, ngày 27/7, cán bộ phụ trách khu vực Đông Nam Á, Sở Ngoại vụ TP.HCM thông báo: Chúng tôi đã chính thức đề nghị ĐSQ can thiệp. Ngay chiều nay (27/7), ĐSQ VN tại Malaysia sẽ ra sân bay tìm hiểu vụ việc. Bảo hộ công dân là trách nhiệm của cơ quan ngoại giao, ĐSQ của chúng ta ở nước ngoài, tuy nhiên, với vụ việc liên quan an ninh nước bạn, chúng ta phải tôn trọng pháp luật và chính sách của họ. Chiều 27/7, báo Phụ Nữ tiếp tục liên lạc đến ĐSQ VN tại Malaysia thông qua hai địa chỉ email: daisevn1@putra.net.my, daisenvn1@streamyx.com và số điện thoại trụ sở này nhưng đều không một tin tức phản hồi.

Anh H. chồng chị T. bức bối kể: “Ngay khi vợ tôi gọi điện báo tin bị tạm giữ ở sân bay KLIA, tôi đã lập tức tra cứu thông tin trên trang web Bộ Ngoại giao và các tổng đài dò tìm các số điện thoại của ĐSQ VN tại Malaysia, vừa gọi điện, gửi email cầu cứu, nhưng không hề có một tín hiệu nào phản hồi từ số điện thoại bàn cho đến đường dây nóng. Ở ngay trên đất nước mình, nhận thông tin tôi còn cháy lòng, đứng ngồi không yên, huống gì vợ tôi, bị tạm giữ mà không biết nguyên do, làm sao không hoảng loạn?”.

Sau nhiều lần đeo bám, cuối cùng, phóng viên đã liên lạc được với bà Phạm Thị Phương Hà, người phụ trách đường dây nóng bảo hộ công dân của ĐSQ VN tại Malaysia. Bà Hà giải thích: “Do đang trong quá trình can thiệp, chưa có kết quả nên chúng tôi chưa thể trả lời”.

Sáng 28/7, văn phòng thủ tướng nước bạn đã tiếp nhận thư yêu cầu can thiệp của đoàn công tác gồm ĐSQ, văn phòng Quận ủy Q.12, công ty du lịch. Trưa 28/7, đoàn công tác được gặp chị T. tại nơi tạm giữ ở sân bay KLIA. Và, tối 28/7, chị T. đã được về lại Việt Nam.

Bảo hộ công dân là nghĩa vụ mà bất cứ cơ quan đại diện nào của Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới cũng phải chấp hành. ĐSQ không thể viện bất kỳ lý do gì để thoái thác trách nhiệm. Đến một lời phản hồi sau khi nhận được tin báo cũng không có, liệu ĐSQ VN tại Malaysia đã làm hết trách nhiệm trong trường hợp chị T.?

 HẠNH CHI

www.phunuonline.com.vn

Một phụ nữ Việt, bị tạm giữ, sân bay Kuala Lumpur, công an cửa khẩu, Malaysia, con dấu giả

Tin liên quan

Tin liên quan


    © 2021 FAP
      316,135       1/682